Doanh nghiệp

Chiến lược của ngân hàng số Cake lên tạp chí công nghệ châu Á

Bài viết trên TechInAsia dẫn bối cảnh các công ty fintech, công nghệ và các ngân hàng tại Đông Nam Á đang ra mắt các dịch vụ ngân hàng số thay cho các chi nhánh ngân hàng.

"Ngân hàng số tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để tạo ra sự khác biệt. Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, với 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, đặt ra nhu cầu về các dịch vụ và giải pháp số linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên, họ thiếu khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính như đầu tư và tín dụng", tác giả Stefanie Yeo nhận định.

Ngân hàng số Cake by VPBank

Thẻ ngân hàng số Cake by VPBank. Ảnh: Cake

Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo ngại về vấn đề trộm cắp danh tính và bảo mật. Mức độ hiểu biết về tài chính ở Việt Nam còn hạn chế, khiến các ngân hàng khó tiếp cận người dùng sử dụng các dịch vụ khác ngoài mở tài khoản tiết kiệm.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà Nước cho phép thí điểm giải pháp định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) vào năm 2020. eKYC cho cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến dễ dàng, hưởng nhiều lợi ích.

Nhưng tác giả cho rằng các quy định của Việt Nam đối với ngân hàng số vẫn còn chưa rõ ràng. "Bất kỳ công ty khởi nghiệp nào muốn thành lập một ngân hàng số đều phải hợp tác với một ngân hàng hiện có, làm chậm quá trình một cách đáng kể", tác giả cho biết. Trong khi đó, nhiều thị trường trong khu vực đã cấp phép dịch vụ ngân hàng số cho những doanh nghiệp phi ngân hàng như tại Singapore và Indonesia.

Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO Ngân hàng số Cake by VPBank cho biết, thông thường phải mất từ 6 tháng đến một năm để một ngân hàng truyền thống phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, vì phải hoàn tất toàn bộ các quy trình và các hướng dẫn liên quan.

Ông Nguyễn Hữu Quang, CEO Ngân hàng số Cake by VPBank

Ông Nguyễn Hữu Quang - CEO Ngân hàng số Cake by VPBank. Ảnh: Cake

Chiến lược hợp tác

Cách ngân hàng số Cake vươn lên trong giai đoạn thách thức, thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng mới ở Việt Nam được tác giả phân tích như một ví dụ.

Ra mắt vào năm 2021 nhờ hợp tác giữa Be Group và VPBank, Cake hướng tới mục tiêu trở thành "ngân hàng đơn giản, đáng tin cậy và thú vị". Ngân hàng số này đưa tài chính gần gũi với người dân Việt Nam bằng cách đơn giản hóa, giúp người dùng dễ dàng truy cập được từ điện thoại di động.

Theo ông Quang, Cake là một phần mở rộng tất yếu trong hệ sinh thái của Be Group. Bắt đầu từ hợp tác với VPBank, một trong những ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, nền tảng ngân hàng số Cake sẽ tiếp tục hợp tác với các fintech hàng đầu thị trường đẩy nhanh quá trình phát triển.

Theo đó, Cake đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng ngân hàng đám mây Mambu, sử dụng các giải pháp đám mây của Mambu làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng lõi, từ đó phát triển đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, tương đương với các dịch vụ của chi nhánh ngân hàng vật lý.

Bằng cách sử dụng ngân hàng đám mây, Cake có thể tung ra các dịch vụ mới trong vòng vài tuần mà hệ thống ngân hàng truyền thống có thể mất nhiều năm thực hiện. Ngoài ra, Cake cũng đã chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi của mình chỉ trong 74 ngày.

Cake cũng bắt tay hợp tác với công ty giải pháp thanh toán Radar Payments để phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán end-to-end.

"Với sự giúp đỡ của các công ty fintech, chúng tôi chỉ mất một đến hai tháng để cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng. Điều này cho phép Cake đầu tư nhiều hơn vào con người, sản phẩm và hoạt động tiếp thị thay vì phải tập trung quá nhiều vào quy trình phát triển", ông Quang chia sẻ với TechInAsia.

ake đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng ngân hàng đám mây Mambu, sử dụng các giải pháp đám mây của Mambu làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng lõi, từ đó phát triển đầy đủ các dịch vụ ngân hàng

Cake tích hợp các dịch vụ tương đương một ngân hàng truyền thống. Ảnh: Cake

Thu hút khách hàng mới

Việc thu hút khách hàng là một thách thức lớn đối với các ngân hàng số. Cake đã giải bài toán tiết kiệm chi phí này nhờ một lượng lớn khách hàng tiềm năng từ các tài xế và người dùng dịch vụ gọi xe của Be.

Ngân hàng số này cũng đảm bảo tích hợp giữa nền tảng và ứng dụng Be, cho phép tài xế và khách hàng thanh toán trên Be qua Cake một cách liền mạch. Hệ sinh thái Be cũng gia tăng giá trị cho các dịch vụ của Cake, giúp khách hàng tiếp cận với nhiều dịch vụ khác nhau như dịch vụ đặt xe, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, bảo hiểm...

Công ty cũng có các đại sứ để hướng dẫn người dùng thiết lập tài khoản trên Cake, giúp họ điều hướng các quy trình eKYC và hiểu các dịch vụ của ngân hàng số.

Hướng tới đối tượng mục tiêu là thế hệ trẻ, am hiểu công nghệ tại Việt Nam, Cake bổ sung thêm các tính năng thu hút người dùng trẻ. Đơn cử, ngân hàng hợp tác với MasterCard cung cấp dịch vụ thẻ ghi nợ quốc tế. Những chiếc thẻ có màu sắc đa dạng và kiểu dáng thu hút.

Dịch vụ cũng chú trọng đến yếu tố cảm xúc trong mỗi giao dịch. "Ví dụ, khi thực hiện chuyển khoản, bạn có thể thêm biểu tượng cảm xúc, thiệp... Điều này giúp đáp ứng nhu cầu của những khách hàng trẻ tuổi về các sản phẩm sáng tạo. Hơn cả một sản phẩm tài chính, Cake còn là một nền tảng để gửi thông điệp, bày tỏ tình cảm và lòng tin", ông Quang chia sẻ.

Những cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả cho Cake với 1 triệu khách hàng trên nền tảng vào cuối năm 2021, chỉ sau 11 tháng hoạt động. Ngân hàng số lên kế hoạch thêm các giải pháp vay vốn, đầu tư vào năm 2022.

"Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình số hóa và và sức hút của nền tảng kinh tế kỹ thuật số, trong đó có các ngân hàng số, fintech. Sẽ có sự hợp tác lớn hơn giữa các ngân hàng với các công ty fintech. Sự xuất hiện của công nghệ mới nổi như AI và dữ liệu lớn sẽ giúp thay đổi cách mọi người sử dụng dịch vụ ngân hàng", ông Quang khẳng định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm