Điều đáng chú ý, trong số các tài sản bảo đảm được rao bán, có nhiều "động sản" được nhận định sẽ khó bán.
Ngày 14/02 mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank chi nhánh Bình Thạnh đã phát đi thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm, bao gồm: 01 chiếc ô tô bán tải nhãn hiệu Madza, 02 chiếc xe xúc lật hiệu CAT 910, 01 chiếc xe nâng hiệu Kmassu 30, 03 hệ thống băng chuyền nghiền bột đá và 107 bao đá.
Những "động sản" này gợi cho người ta liên tưởng đến một lô "phế liệu" vì hiện trạng của xe Madza, CAT và Kmassu theo mô tả từ phía nhà băng là hư hỏng hoàn toàn, các bộ phận: máy, các bộ phận phụ trợ, điện, taplo điều khiển,... đã bị tháo rời, nội – ngoại thất đã hư hỏng hoàn toàn, vỏ xe, mân xe và gầm xe rỉ sét, xe không còn khả năng sửa chữa để đem vào tái sử dụng. Mặt khác, giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản (Giấy đăng ký xe ô tô; Giấy đăng kiểm và một số giấy tờ khác) không còn.
Hệ thống băng chuyền cũng không khá khẩm gì hơn khi được mô tả "đã hư hỏng, không đủ điều kiện để kiểm tra tình trạng hoạt động của máy. Thân máy han gỉ, trầy xước, một số bộ phận chính như motor đã bị tháo rời, không còn hiện trạng."
Giá khởi điểm cho lô "phế liệu" trên kèm theo 107 bao đá (đá 1,2 +24 đá tạo màu) là 166 triệu đồng.
Được biết những tài sản trên được xác định thuộc sở hữu của công ty TNHH May Thiên Kim, có trụ sở ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Khá khẩm hơn Agribank, trước đó ngày 09/02, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư (BIDV) chi nhánh Thành Nam thông báo rao bán động sản là 372 máy móc thiết bị ngành may với giá hơn 4 tỷ đồng. Tài sản này được rao bán cùng với 01 bất động sản có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân nhưng đã được góp vốn vào công ty. Ngân hàng ưu tiên người mua đồng thời hai tài sản.
Ngày 16/02, BIDV Lạch Tray thông báo rao bán động sản là Tàu đánh cá vỏ thép số HP-90811-TS, công suất 822hp (Vạn Hương 01) với giá khởi điểm hơn 3 tỷ đồng; 01 hệ thống khai thác- ngư lưới cụ gắn với tàu giá khởi điểm 660 triệu đồng; Tàu đánh cá vỏ gỗ số HP-90063-TS, công suất 320HP giá khởi điểm 136 triệu đồng.
"Ông lớn" Vietcombank có 8 tin rao bán động sản từ đầu năm, trong đó tài sản "thanh khoản" cao nhất có lẽ thuộc về xe ô tô con nhãn hiệu Luxus LX570, được sản xuất năm 2013. Giá khởi điểm của tài sản này là 3,3 tỷ.
Ngoài ra, VCB cũng rao bán 01 tàu cá thân gỗ, 01 hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất đệm mút, 01 dây chuyền sàng đậu,...
Tài sản "cồng kềnh" nhất của Vietcombank trong đợt rao bán lần này là: Quyền tài sản theo/phát sinh tương ứng với 20% phần vốn góp của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – Công ty Cổ Phần (PVE) từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty khí Việt Nam – Công ty Cổ Phần (PV Gas), Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long (PL Co) và PVE để xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đổi tên là tòa nhà PVGas Tower) tại địa chỉ 673 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Theo chuyên gia ngân hàng nhận định, việc nhận thế chấp động sản gặp phải những khó khăn khi thanh lý tài sản như:
(i) Khó khăn về thanh khoản: Với những tài sản như dây chuyền máy móc, thiết bị chuyên dụng,.. đòi hỏi có tính đồng bộ trong lắp đặt, nhà xưởng, công nghệ,... nên rất "kén" người mua. Trên thực tế, dù có "rẻ" các doanh nghiệp cũng không hề mặn mà với việc mua lại máy móc, thiết bị vì chưa nói đến chất lượng thì ngoài chi phí mua họ còn phải trả chi phí lắp đặt, sửa chữa,.. phát sinh không hề nhỏ.
(ii) Rủi ro giảm giá trị lớn: Không như bất động sản, động sản dù là ô tô, máy móc hay những tài sản vô hình như quyền đòi nợ, khoản phải thu có chiết khấu về giá rất lớn khi đã qua sử dụng. Mặt khác, quá trình lưu kho bãi lâu ngày làm chất lượng tài sản giảm sút, hư hỏng và làm phát sinh các chi phí lưu kho,...
(iii) Rủi ro pháp lý: Pháp lý của các động sản vô hình như quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền tài sản phát sinh,.. thường không rõ ràng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xác định quyền lợi chủ sở hữu.