Trong bối cảnh Meta, công ty mẹ Facebook liên tục vướng hàng loạt bê bối xoay quanh những cáo buộc về vi phạm dữ liệu người dùng, việc Mark Zuckerberg đổi tên "con cưng" và tập trung phát triển metaverse vũ trụ ảo được cho là bước đi thông minh giúp gã khổng lồ này đánh lạc hướng cộng đồng mạng.
"Về cơ bản, những câu chuyện xoay quanh metaverse có thể giúp Facebook tránh khỏi phản ứng dữ dội từ phía công chúng", Ashley Cooksley, Giám đốc điều hành tại công ty The Social Element nhận định.
Đánh lạc hướng thế giới bằng metaverse
Thực tế, việc vẫn chưa ai hiểu hết hoàn toàn khái niệm metaverse sẽ giúp Facebook hướng mọi sự chú ý vào vũ trụ ảo – lĩnh vực mà rất nhiều các ông lớn công nghệ đã theo chân Zuckerberg, xây dựng và phát triển.
Facebook hướng mọi sự chú ý vào vũ trụ ảo.
Theo Eric Schiffer, Giám đốc điều hành The Chief Organization, Facebook vẫn cần giải quyết các bê bối kiện tụng, song không được phép sụp đổ do vẫn còn nguồn lực tài chính dồi dào. "Đây chưa phải dấu chấm hết cho Mark Zuckerberg. Việc đổi tên là nước đi thông minh, vừa giúp tái định hướng thương hiệu vừa phần nào giúp mạng xã hội này giải quyết được khủng hoảng. Ngoài ra, việc tập trung phát triển metaverse có thể giúp Facebook giành lợi thế trong cuộc đua công nghệ sắp tới", Schiffer nói.
Trang tin CNN cũng cho rằng việc đổi tên thương hiệu có thể nằm trong nỗ lực đại tu danh tiếng của Facebook, giúp Meta bước sang một trang mới sau một loạt "cơn ác mộng", bao gồm thông tin sai lệch về nền tảng, lỗi kiểm duyệt nội dung cũng như bê bối rò rỉ dữ liệu gây tác động nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần người dùng.
Trong báo cáo kinh doanh hồi quý III/2021, Facebook tuyên bố có thể sẽ bỏ ra 10 tỷ USD trong tổng lợi nhuận năm 2021 để đầu tư vào vũ trụ ảo. Khi đó, đây sẽ không còn là gã khổng lồ truyền thông xã hội đơn thuần mà trở thành một công ty chuyên phát triển metaverse - công nghệ cho phép những người đeo kính thực tế ảo có thể dạo chơi, kết bạn, mua bán, tham dự sự kiện với cảm giác như thật.
“Đây không phải khoản đầu tư mang lại lợi nhuận trong tương lai gần, nhưng chúng tôi tin rằng metaverse sẽ là người kế nhiệm cho nền tảng Internet di động", Mark Zuckerberg cho biết.
Facebook thông báo tuyển dụng tới 10.000 lao động tại Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng đế chế metaverse.
Ngoài ra, hồi tháng 10/2021, Facebook cũng thông báo tuyển dụng tới 10.000 lao động tại Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng đế chế metaverse - phiên bản thực tế ảo của mạng Internet mà Big Tech này rất kỳ vọng về tính đột phá trong tương lai.
Theo Reuters, việc tuyển nhân sự phát triển metaverse là động thái thể hiện niềm tin lớn của Mark Zuckerberg vào sức mạnh ngành công nghiệp công nghệ châu Âu. Được biết khu vực Eurozone có khá nhiều lợi thế giúp Facebook hoàn thiện công cuộc chuyển mình, chẳng hạn như thị trường tiêu dùng lớn, trường đại học hàng đầu và nhiều tài năng trẻ xuất sắc.
Rủi ro vì còn quá nhiều ‘vết nhơ’
Tuy nhiên, cú chuyển mình này có thực sự đánh lạc hướng được dư luận hay không thì chẳng ai dám chắc, bởi thực tế Facebook đang bị vây quanh bởi quá nhiều tai tiếng.
Theo tạp chí công nghệ The Verge, tính đến đầu tháng 2/2022, lần đầu tiên "dân số" mạng xã hội Facebook sụt giảm 1 triệu tài khoản chỉ sau 3 tháng. Thực tế doanh thu thấp hơn kỳ vọng cũng khiến cổ phiếu gã khổng lồ này ngay lập tức "bốc hơi" 26% giá trị trong phiên giao dịch gần nhất. Mark Zuckerberg, theo đó "tuột tay" 24 tỷ USD trong chớp mắt.
Vị CEO này cho rằng nguyên nhân thực sự khiến cổ phiếu Facebook lao dốc đến từ khủng hoảng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như những thay đổi trong chính sách quyền riêng tư của Apple đối với hệ điều hành IOS. Ngoài ra, sức hút của các đối thủ cùng ngành, chẳng hạn như TikTok, cũng khiến người dùng không còn dành nhiều sự "mặn mà’’ với mạng xã hội này.
"Mọi người có rất nhiều sự lựa chọn để sử dụng thời gian của mình. Trong khi đó, các ứng dụng như TikTok lại đang phát triển quá nhanh", Mark Zuckerberg cho biết.
Facebook bị đại diện bang Texas (Mỹ), ông Ken Paxton đệ đơn kiện với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đằng sau lời "nguỵ biện" trên của đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới, ai cũng biết rõ nguyên nhân thực sự đằng sau lần sụt giảm "dân số" này. Đa số đều đồng ý rằng những bê bối rò rỉ dữ liệu mới đây của Facebook chính là nguyên nhân lớn nhất khiến Big Tech này mất đi niềm tin của người dùng.
Đơn cử như mới đây, Facebook bị đại diện bang Texas (Mỹ), ông Ken Paxton đệ đơn kiện với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Ông Paxton khẳng định rằng Facebook đã thu thập dữ liệu nhận diện khuôn mặt của hàng chục triệu người dân tiểu bang trong suốt một thập kỷ mà không hề có sự cho phép của họ.
"Facebook đã bí mật khai thác thông tin mật của người dùng bao gồm hình ảnh và video của họ. Trong khi đó, bang Texas nghiêm cấm hành vi sử dụng thông tin cá nhân trái phép trong suốt 20 năm qua. Người dân tại đây đã chia sẻ rất nhiều hình ảnh của bản thân, gia đình, bạn bè mà không hề hay biết", Tổng chưởng lý Paxton khẳng định.
Nếu không thể kháng cáo, số tiền Facebook phải bồi thường có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với khoản bồi thường 90 triệu USD công ty vừa bỏ ra để đền bù cho các nguyên đơn của 21 vụ kiện riêng biệt trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn 2011-2012.
Ngoài ra, chất lượng thông tin Facebook đăng tải cũng chưa thực sự được kiểm duyệt rõ ràng, kỹ lưỡng.
"Facebook đang chi hàng tỷ USD để kiểm duyệt thông tin, nhưng chủ yếu là tại Mỹ. Mỗi ngày, vẫn có nhiều thông tin sai sự thật bị người dùng từ khắp nơi trên thế giới tung ra’’, Cựu Giám đốc Chính sách công tại Facebook cho biết.
"Thế giới đang bước sang năm COVID-19 thứ 3, nhưng những rủi ro về thông tin y tế sai lệch vẫn hiện hữu trong cộng đồng", tờ Bloomberg bình luận thêm.
Metaverse cũng không cứu nổi Facebook
Chính vì vậy, theo Anne Olderog, cổ đông của công ty tư vấn Vivaldi với 20 năm kinh nghiệm xây dựng chiến lược thương hiệu, việc tập trung vào metaverse sẽ không đủ để giúp Facebook xóa bỏ "vết nhơ" trong nhận thức của công chúng. "Rốt cuộc, điều cốt lõi vẫn là giải quyết những vấn đề cơ bản, nếu không, họ vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những vấn đề tương tự dù đã chuyển hướng", bà đánh giá.
Hơn nữa, Meta cũng đang ở trong thế bí khi họ chưa gặt hái được nhiều thành công với metaverse. Hãng chỉ mới chính thức tung ra nền tảng thế giới ảo tập trung vào mảng game mang tên Horizon World hồi cuối năm ngoái, trong khi các trò chơi thế giới ảo tương tự như Roblox và Fortnite, hiện đã thu hút tới hơn 100 triệu người dùng thường xuyên, chủ yếu là giới trẻ.
Facebook kỳ vọng việc bỏ ra khoản đầu tư lớn ngay từ bây giờ sẽ giúp Meta giành lợi thế lớn trong cuộc đua metaverse.
Công ty này dự đoán rằng khách hàng sẽ hứng thú với vũ trụ ảo trong tương lai và việc chi tiêu lớn ngay từ bây giờ sẽ giúp Meta giành lợi thế lớn, song trên thực tế, người dùng hiện nay vẫn chưa thực sự hứng thú với metaverse. Bằng chứng là Reality Labs – phân khúc phát triển thực tế ảo của Meta đã lỗ hơn 10 tỷ USD trong năm 2021.
Giới chuyên gia theo đó chỉ trích tầm nhìn metaverse của Facebook quá rộng và không có trọng tâm sinh lời rõ ràng. Điều này rất khác so với dự án vũ trụ ảo của Microsoft khi tập đoàn này chỉ tập trung vào thế mạnh là nền tảng cho các doanh nghiệp.
"Zuckerberg đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào metaverse, tuy nhiên phải mất nhiều năm nữa để thực tế ảo có thể trở thành một phần của cuộc sống", tờ the Guardian nhận định.
Không những thế, theo Giáo sư Andrew Pryzbylski, chuyên gia tâm lý tại Đại học Oxford, metaverse trong tương lai sẽ là dự án đầy tiềm năng nếu Facebook thu hút được sự chú ý của trẻ em. Tuy nhiên, nếu tiếp tục không khắc phục được những yếu điểm hiện tại về dữ liệu người dùng, metaverse sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi không gian trực quan hơn nhiều Facebook. "Đây vừa là nơi khơi dậy nhiều cảm hứng, vừa là nơi vô cùng đáng sợ", Pryzbylski nói.
Đáng sợ là bởi metaverse chính xác là một con dao 2 lưỡi. Các chuyên gia cảnh báo, khi vũ trụ ảo trở thành một phần không thể thiếu và vượt qua khỏi biên giới quốc gia, các lỗ hổng về quy định sẽ bắt đầu xuất hiện. Rủi ro tiềm ẩn có thể kể đến như nguy cơ an ninh mạng, công nghệ độc quyền và bị kiểm soát bởi những ông lớn.
Theo: CNN, Reuters, Tổng hợp