Tập đoàn Phúc Sinh hiện có 400 người, chia thành 2 mảng là xuất khẩu và bán lẻ. 2 bộ phận này nằm ở 2 tòa nhà gần sát nhau tại quận 1. 2 tòa nhà này có cả phòng gym, nhà hàng, quán cà phê và phòng tranh. Tuy nhiên, với ông Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm CEO Phúc Sinh, thì cơ sở vật chất đầy đủ như thế vẫn chưa là tất cả để thu hút và giữ nhân tài.
"Về việc xây phòng tranh, thì cái gì đẹp và tôi thích thì muốn chia sẻ với mọi người; chứ không phải tôi làm thế để thêm lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút nhân tài trên thương trường. Tôi không tính xa đến như vậy!
Chỉ là, sau khi chúng tôi chia sẻ phòng tranh, nhân viên sau khi ngắm tranh đẹp, ăn sáng và uống 1 ly cà phê ngon thì họ rất thích và có nhiều năng lượng. Lúc đó, tôi mới cảm thấy, cái cách mình làm là đúng hướng", "Vua hồ tiêu" cho biết khi chia sẻ tại chương trình CafeTalk Số 08 "Cầm chuông về đánh xứ ta".
Cũng theo ông Phúc Sinh là 1 công ty nông nghiệp chứ không phải công nghệ. Phúc Sinh làm việc rất nhiều với nông dân, lại làm về nông nghiệp và tiêu dùng. Vậy nên, trước khi đến Phúc Sinh, ai cũng nghĩ công ty chắc giản dị - cũ kỹ, nhân viên ‘chân lấm tay bùn’, hoặc sẽ thấy cuốc và cào; song thứ người ta thấy lại là tranh và tạ/nhà hàng.
"Phúc Sinh giống như một công ty thời trang, đẹp từ trong ra ngoài. Và tôi nghĩ, những hành động nói trên của mình đã gây được cảm hứng cho nhiều người và nhiều đồng nghiệp", ông Phan Minh Thông tự hào giới thiệu.
Những tưởng, với cơ sở vật chất đẹp đẽ và hiếm nơi có như thế, nhân viên Phúc Sinh sẽ ‘hạnh phúc mãi mãi’; tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy, suy nghĩ đó quá lạc quan.
"Cái gì cũng vậy, nếu một món ngon mà mình ăn quá nhiều thì cũng chán, mặc đồ đẹp hoài thì cũng thấy thường thôi. Sau 1 thời gian đầu hứng thú, nhân viên Phúc Sinh sẽ bắt đầu cảm thấy bình thường và muốn thay đổi hoặc được đãi ngộ ở mức cao hơn nữa. Tôi làm quản lý cũng nhận thấy điều đó, nên phải luôn luôn thay đổi.
Những buổi tiệc cuối năm của công ty nhằm tri ân và thưởng tiền nhân viên, năm này phải khác biệt so với năm trước. Ví dụ: Cafebiz đã đăng 1 bài rất hay: cho nhân viên vay tiền không lãi suất và được viral rất mạnh ở trên mạng xã hội. Tức là, mình phải luôn luôn hay đổi, luôn phải đẹp và hấp dẫn hơn. Mình phải liên tục làm mới mình, CEO – doanh nghiệp luôn phải đẹp hơn và tốt hơn trong mắt nhân viên, thì mới hấp dẫn họ", Chủ tịch Phúc Sinh nhấn mạnh.
Bản thân ông luôn phải theo xu hướng và luôn nghĩ là mình còn rất trẻ, mình phải ‘đu’ theo các bạn 9x, sắp tới là 10x. Làm sao để họ thấy vị CEO này luôn hấp dẫn! Mới đây, công ty tổ chức tiệc sinh nhật chung cho các nhân viên, và vì hầu hết họ là 9x nên ông cũng phải vui vẻ - tưng bừng từ đầu đến cuối. Tức CEO phải luôn hòa nhập với nhân viên.
Còn 2 tuần trước nữa, ông làm 1 buổi tiệc mà khách tham gia chủ yếu là 7x và 8x, họ tất nhiên không giống 9x và có những mong muốn – nhu cầu vui chơi giải trí khác biệt. Nói chung là làm quản lý phải thích nghi, thì mới thu hút được các bạn trẻ đến làm việc. Đó là cái khó của CEO!
"Ngoài môi trường làm việc và phúc lợi, CEO còn phải biết tạo cảm hứng và biết cách phát triển nhân viên. Khi mình thu hút nhân tài và muốn họ phát triển bản thân hơn, một phần trách nhiệm đến từ CEO. Các CEO phải nỗ lực rất nhiều trong vấn đề này, chứ không riêng gì nhân viên.
Bởi nhiều khi, bản thân nhân viên vẫn chưa khám phá được hết sức mạnh của người ta, thì mình với người ta phải cùng nhau khai phá được tiềm năng của họ, chứ không chỉ ‘ăn ngon, mặc đẹp’", ông Phan Minh Thông đề nghị.
Ngoài ra, bảo đảm sức khỏe tinh thần cho nhân viên cũng rất quan trọng. Trong năm 2021, rất nhiều người bị trầm cảm. Khi chúng ta đọc cuốn sách ‘Vượt lên những con đường kinh doanh’ của ông Phan Minh Thông, sẽ thấy có rất nhiều người bị ‘trầm cảm’ không phải vì thiếu vật chất. Ở khía cạnh quản lý, CEO phải làm thế nào để tạo cảm hứng – vực dậy tinh thần của họ, làm thế nào để họ giữ được sức khỏe tinh thần thì mới làm được việc. Điều này mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
"Cho nên, đôi khi làm quản lý anh không được xuống tinh thần là vậy. Ai đó xuống tinh thần không biết, nhưng làm quản lý thì không được như thế. Ví dụ: nếu như có muốn khóc thì cũng phải vào nhà vệ sinh khóc và ra lại phải tươi cười với mọi người.
Cơ bản khi đứng trước mọi người, mình phải mạnh mẽ và là chỗ dựa, niềm tin của mọi người. Tất nhiên, cái đó cũng phải học hỏi và tôi luyện. Vì làm quản lý anh phải hy sinh rất là nhiều – ví dụ như cảm xúc cá nhân, để có thể dung hòa mọi người.
Trên sách vở người ta hay nói làm quản lý rất cô đơn. Vì sao? Vì kể cả khi anh làm rất nhiều việc tốt cho mọi người, nhưng mọi người không hiểu nó, thì anh sẽ cảm thấy rất cô đơn. Người ta cũng hay nói rằng, nếu anh chưa làm cho nhân viên hiểu mình, thì đó là lỗi của mình. Hay mình không chỉ làm tốt công việc mà áo quần bên ngoài cũng phải chỉn chu", "Vua hồ tiêu" tiết lộ tiếp.