Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa được Cục Thống kê công bố cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp trên cả nước tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong tháng 4 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy đây là mức tăng cao thứ hai kể từ năm 2021 đến nay.

IIP 4 tháng đầu các năm từ 2021 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 8,5 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,2%, đóng góp 0,1 điểm %; ngành khai khoáng giảm 4,5%, làm giảm 0,7 điểm %.

Chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp cấp I trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê).
Cùng với đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II cũng ghi nhận chỉ số sản xuất tăng cao trong 4 tháng đầu năm, như: sản xuất xe có động cơ tăng 35,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất của một số ngành giảm sâu, như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,2%.
So với cùng kỳ năm trước, IIP 4 tháng đầu năm nay tăng ở 62 địa phương, duy nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,2%. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Tốc độ tăng/giảm IIP 4 tháng đầu năm
Cụ thể, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Phú Thọ tăng 47,4%; Bắc Kạn tăng 27,9%; Bắc Giang tăng 27,3%; Nam Định tăng 24,7%.

Những địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng cao trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê).
Bên cạnh đó, một số địa phương ghi nhận chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, như: Hòa Bình tăng 63,7%; Huế tăng 37,5%; Quảng Ngãi tăng 35,6%.

Những địa phương có chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê).
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Trong đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Lạng Sơn tăng 2,9%; Lào Cai tăng 2,7%; Cao Bằng giảm 4,9%.
Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện bốn tháng đầu năm 2025 giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: Bà Rịa -Vũng Tàu giảm 35,6%; Bạc Liêu giảm 14,1%; Khánh Hòa giảm 3,8%; Lào Cai giảm 1,8%.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng tăng thấp hoặc giảm gồm: Bình Thuận tăng 1,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 12,6%; Hà Nội giảm 9,2%.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, tại thời điểm ngày 1/4, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, tỷ lệ tương ứng của doanh nghiệp Nhà nước không đổi so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng thời điểm năm trước; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.