Công nghệ

Chi chục triệu đồng mua máy chạy Pi Node

Anh Phương cho biết anh đã có sẵn một chiếc PC chạy Pi Node từ cách đây vài tháng. Thấy cách này cho lượng Pi nhiều hơn so với 'kích tia sét' hàng ngày trên smartphone, anh cho thêm gần 20 triệu đồng để sắm PC và đường truyền mạng mới cho việc "chạy Node", dù đến nay đồng Pi vẫn chưa có giá trị.

Trong khi đó, Lê Vinh (Bình Định) không lắp đặt PC tại nhà mà bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua máy rồi gửi tại một trang trại Pi Node. "Tôi không đủ điều kiện, kinh nghiệm vận hành, không có thời gian chăm sóc, nguồn điện và mạng kém ổn định nên chọn cách làm này", anh nói.

Ngoài việc bỏ tiền mua PC, người đào Pi theo cách này còn phải chi từ 500.000 đồng trở lên mỗi tháng cho tiền điện, Internet, bảo trì hệ thống... Nhiều người xem đây là khoản đầu tư và nói chấp nhận mất tiền nếu tiền ảo Pi không có giá trị.

Tài Bùi, khá nổi tiếng trong cộng đồng Pi Network, cho biết trang trại Pi Node của anh ở Bình Định đã lấp đầy công suất 500 máy tính, dù cách đây hơn hai tháng mới đạt 250 máy. "Trước nhu cầu thuê máy lớn, tôi đang lên kế hoạch mở thêm một trang trại khác ở Quảng Ngãi trên tòa nhà bốn tầng, mỗi tầng dự kiến 500 máy và khai trương vài ngày tới", anh Tài cho hay.

Trên mạng xã hội, cơn sốt Pi đang lắng xuống nhưng các hội nhóm về Pi Node vẫn hoạt động sôi nổi với nhiều luồng thảo luận được tạo mỗi ngày, chủ yếu về kinh nghiệm cài đặt, vận hành Pi Node sao cho tối ưu, cách xử lý sự cố. Một số nhóm có số lượng thành viên trên 30.000.

Hai nhân viên đang vận hành một trang trại Pi Node ở Bình Định. Ảnh: Tài Bùi

Hai nhân viên đang vận hành một trang trại Pi Node ở Bình Định. Ảnh: Tài Bùi

Pi Node, hay nút mạng Pi, là phần mềm trên máy tính với vai trò tạo và lưu trữ Pi. Không như ứng dụng smartphone đóng vai trò đăng ký, đăng nhập, phục hồi tài khoản và "điểm danh" nhận Pi, Pi Node có nhiệm vụ xác nhận giao dịch trong hệ thống của Pi Network.

Trong khi khai thác Bitcoin hay Ethereum dựa trên thuật toán bằng chứng công việc (Proof of Work), tức tính toán quá trình làm việc để nhận phần thưởng, blockchain của Pi Node lại dùng thuật toán giao thức đồng thuận Stellar (SCP). Với SCP, các node là các nhóm xác thực đáng tin cậy và chỉ đồng ý với các giao dịch mà những node khác chấp nhận. Thông qua vòng tròn bảo mật, các node xác định ai có hoặc không thể xác thực giao dịch trên sổ cái blockchain của Pi Network.

Nguyễn Hiền, chủ một cửa hàng chuyên bán máy tính ở Nghệ An, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, cứ một vài ngày lại có khách hàng muốn cài Pi Node trên máy tính của họ", anh Hiền nói. Theo anh, PC để chạy Pi Node không cần quá mạnh, tầm giá 10-20 triệu đồng là đủ. Khi trang bị từ hai máy trở lên, chỉ cần một màn hình để quản lý, nhưng cần có đường truyền mạng riêng.

Văn Thành (Yên Bái) từng là nhân viên của một cửa hàng máy tính nhưng nghỉ việc từ tháng 3 để mở dịch vụ cài Pi Node. "Mỗi ngày, tôi nhận 3-5 yêu cầu cài, chủ yếu qua hình thức trực tuyến với chi phí 100.000 đồng, đã bao gồm hỗ trợ kỹ thuật về sau. Nếu đến cài trực tiếp, tiền công có thể cao hơn", anh Thành cho hay.

Theo dữ liệu từ website Pi-blockchain, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng nút mạng Pi tăng trưởng nhanh nhất. Vào tháng 4/2022, số node Pi mới đạt 5.600 node, nhưng đến 26/5, số nút mạng Pi tại Việt Nam đã là 19.244 node, xếp thứ ba thế giới sau Hàn Quốc với 26.773 node và Trung Quốc với 20.364 node.

Pi Network xuất hiện từ năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam đầu 2021. Tiền ảo này nhiều lần bị giới chuyên gia cảnh báo về sự thiếu tính minh bạch, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. Sau bốn năm, Pi vẫn vô giá trị, còn trạng thái của dự án vẫn là "mainet kín". Ngoài ra, việc giao dịch loại tiền ảo này cũng không được phép và vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm