Công nghệ

Ba nguyên mẫu từng bị Apple khai tử

Là tập đoàn công nghệ trị giá nghìn tỷ USD, Apple dành nhiều thời gian và tiền bạc cho nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm. Công đoạn cuối là tạo các nguyên mẫu, đưa vào kiểm thử chất lượng trước khi phát hành ra thị trường.

Tuy nhiên, không phải tất cả nguyên mẫu của Apple đều biến thành sản phẩm để bán. Một số "thất bại ngay ngưỡng thiên đường" vì không thể vượt qua bài kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt của hãng.

Bộ sạc Magic Charger

Khi giới thiệu sạc MagSafe cho iPhone năm 2020, Apple được cho là cũng tạo một đế sạc có tên Magic Charger. Công ty không công bố và cũng không nhắc đến phụ kiện này, nhưng nó xuất hiện trong bộ sưu tập của một số nhà sưu tầm sau đó. Điều này cho thấy hãng đã phát triển bộ sạc nhưng không phát hành.

Nguyên mẫu sạc Magic Charger. Ảnh: Kyouko Mizumi/Twitter

Nguyên mẫu sạc Magic Charger. Ảnh: Kyouko Mizumi/Twitter

Theo tài khoản Twitter Kyouko Mizumi, nguyên mẫu Magic Charger có cấu tạo bằng nhôm nguyên khối, ở giữa là bộ phận sạc MagSafe linh hoạt, có thể lật với góc 90 độ hoặc nằm ngang. Phụ kiện đi kèm cáp USB-C to Lighning. Khi kết nối với máy tính, màn hình thiết bị hiện lên tên gọi sản phẩm là Apple Magic Charger.

Dù không ra mắt Magic Charger, Apple sau đó có giải pháp thay thế là MagSafe Duo. Tuy vậy, sản phẩm giới hạn tốc độ sạc 11 W, trong khi nguyên mẫu Magic Charger được thử nghiệm cho tốc độ cao hơn.

AirPower

Không như Magic Charger, AirPower thậm chí được Apple công bố vào tháng 9/2017. Điểm mạnh của AirPower so với hầu hết đế sạc chuẩn Qi là người dùng có thể nạp năng lượng cùng lúc cho iPhone, Apple Watch và AirPod, thay vì chỉ sạc một thiết bị và phải đặt đúng vị trí.

AirPower được Apple công bố vào năm 2017 cùng với iPhone X. Ảnh: Apple

AirPower được Apple công bố năm 2017 cùng iPhone X. Ảnh: Apple

Nhưng sau đó, sản phẩm liên tục trễ hẹn. Một số nguồn tin cho biết AirPower bị trì hoãn do gặp tình trạng quá nhiệt. Thiết kế có thể sạc cùng lúc cho cả ba thiết bị khiến việc chế tạo khe thoát nhiệt đòi hỏi sự chính xác cao và vật liệu đắt tiền.

"Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi nhận thấy AirPower không đạt được các tiêu chuẩn của mình và đã hủy dự án. Chúng tôi tin tưởng tương lai của công nghệ là không dây và sẽ tiếp tục thúc đẩy nó", Phó chủ tịch Apple Dan Riccio đưa ra thông báo vào tháng 3/2019, gần hai năm sau khi công bố AirPower.

Một số hình ảnh kết cấu bên trong AirPower được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Bilibili

Một số hình ảnh kết cấu bên trong AirPower được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Bilibili

Một số nguyên mẫu AirPower đã xuất hiện trên Internet, cho thấy cấu trúc bên trong gồm nhiều cuộn dây đồng cùng hệ thống máy phát đồng bộ để sạc cho một thiết bị sau khi xác định được vị trí của nó trên đế sạc bằng phần mềm. Theo The Verge, cấu trúc này dễ sinh nhiệt và quá phức tạp để có thể sản xuất đại trà, khiến Apple phải khai tử AirPower.

iPad với cổng kép

Cách đây hai năm, Giulio Zompetti, tài khoản Twitter sở hữu nhiều nguyên mẫu thiết bị của Apple, đăng ảnh về chiếc iPad đời đầu có hai cổng kết nối. Bên cạnh cổng 30-pin ở đuôi máy, một cổng tương tự cũng được tích hợp ở phần cạnh phải.

Nguyên mẫu iPad 1 với hai cổng kết nối. Ảnh: Giulio Zompetti

Nguyên mẫu iPad 1 với hai cổng kết nối. Ảnh: Giulio Zompetti

Điều thú vị là nguyên mẫu này cho phép dùng đồng thời hai cổng. Một cổng có thể sạc hoặc kết nối dữ liệu, trong khi cổng còn lại có thể sử dụng với thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột.

iPad được Apple ra mắt năm 2010 với một cổng duy nhất.

(theo GizChina)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm