Chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani - một trong các tập đoàn lớn nhất Ấn Độ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư cảng biển, Adani thuộc nhóm 5 công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và là công ty hàng đầu tại Ấn Độ trong phát triển, vận hành cảng và hệ thống hậu cần tích hợp, chiếm 25% năng lực cảng của Ấn Độ.
Tại đây, Tổng Giám đốc Karan Adani đã cho biết, Adani quyết định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.
Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD.
Trước đó 1 ngày, tại Trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC - mã CK: MVN), Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh đã tiếp ông Karan Adani bàn về triển vọng hợp tác giữa hai bên và ký kết biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác phát triển cảng và logistics.
Trong 3 ngày 22- 25/5, đoàn công tác Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế thuộc Tập đoàn Adani đã sang Việt Nam để khảo sát và làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) với mong muốn hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 250/TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Với vai trò như vậy, VIMC là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tạo được chuỗi hạ tầng và dịch vụ logistics khép kín gồm: Khai thác cảng – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải.
Tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực: Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương, đường thủy nội địa, đường bộ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải; Hoạt động điều hành cảng biển, cảng đường thủy nội địa; Hoạt động đại lý, giao nhận vận chuyển, logistics; khai thác kho bãi và lưu giữ hàng hóa.
Ngày 08/10/2018, cổ phiếu của Tổng công ty bắt đầu được giao dịch trên sàn Upcom với mã cổ phiếu là MVN. Ngày 18/8/2020, Tổng công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và trở thành công ty đại chúng. Vốn điều lệ hiện nay gần 12.006 tỷ. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nắm giữ gần 99,47% vốn của VIMC.
Tổng công ty hiện có 34 doanh nghiệp thành viên (19 công ty con, 13 công ty liên kết, 02 khoản đầu tư khác); 01 doanh nghiệp đang
thực hiện giải thể và 02 doanh nghiệp đang thực hiện phá sản.
Trong năm 2022, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 124 triệu tấn, bằng 98% so với năm 2021; sản lượng vận tải biển đạt 21,8 triệu tấn, bằng 95% so với năm 2021. Doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 15.300 tỷ đồng tăng 6% trong đó: doanh thu khối vận tải biển đạt 4.749 tỷ đồng; doanh thu khối cảng biển đạt 6.650 tỷ đồng và doanh thu khối dịch vụ hàng hải đạt 2.251 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 3.055 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
VIMC hiện đang tham gia đầu tư nhiều dự án lớn như Dự án đầu tư xây dựng bến container số 3, số 4 thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến Cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng) với tổng mức đầu tư dự án là 6.950 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 750m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT và xây dựng 1 bến sà lan tiếp nhận tàu
với sức chứa 100 - 160 Teus, đáp ứng sản lượng hàng hoá thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/năm. Dự án đã khởi công năm 2022, dự kiến cuối quý 3/2024 sẽ hoàn thành 2 bến số 3, số 4 và hoàn thành dự án vào năm 2025.
Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng có tổng mức đầu tư dự án là 7.300 tỷ đồng đang ở giai đoạn khởi động. Dự án có quy mô 2 bến, có khả năng thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 tấn giảm tải, 50.000 đầy tải. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 hoặc 2024, tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai thực hiện do phụ thuộc tiến độ của dự án tổng thể. Hiện tại, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, doanh
nghiệp thành viên của VIMC đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành để thông qua chủ trương đầu tư.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại hyện Cần Giờ, thành Phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư dự án dự kiến 13.000 tỷ đồng, tổng
mức đầu tư giai đoạn I trên 10.000 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT và tàu trung chuyển trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT với tổng chiều dài bến cầu chính khoảng 7,2 km. Công suất thiết kế lên đến 16,9 triệu Teu/năm hàng container. Hiện nay, VIMC và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cùng đối tác nước ngoài đã cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án, chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư lên Bộ Kế hoạch đầu tư.