ĐỨA TRẺ BỊ XÃ HỘI RUỒNG BỎ
Ra đời ở một ngôi làng nhỏ tại Ấn Độ, Srikanth Bolla không được may mắn như những đứa trẻ khác khi bị mù bẩm sinh. Nơi đây, cuộc sống người dân rất khó khăn, nạn mù chữ vô cùng phổ biến và việc mù bẩm sinh bị cho là một “tội lỗi”. Người ta nói rằng, Srikanth Bolla là một đứa bé "vô dụng" không có mắt. Thậm chí, hàng xóm còn khuyên bố mẹ cậu nên từ bỏ đứa con trai tội nghiệp.
Dẫu vậy, bỏ qua mọi lời thị phi ác ý, bố mẹ Srikanth Bolla vẫn thương yêu con trai vô điều kiện, cố gắng chăm sóc và nuôi dạy cậu tốt nhất có thể dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chỉ dựa vào nguồn thu nhập khoảng 300USD/năm. “Họ là những người giàu tình cảm nhất mà tôi biết”, Srikanth tự hào nói về bố mẹ.
Là một người khiếm thị, cuộc sống của Srikanth Bolla trôi qua không hề dễ dàng. 7 tuổi, Srikanth Bolla bắt đầu đi học ở một ngôi trường cách nhà 5km. Với những đứa trẻ khác, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thế nhưng với Srikanth, đó là những ngày tháng cơ hàn, bị bạn bè và thầy cô xa lánh. Thậm chí, anh còn bị nhà trường từ chối cho nhập học. Dù vậy, niềm khát khao được đi học giúp Srikanth có đủ mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại để chinh phục con chữ.
Cha Srikanth Bolla đã tìm cách xin cho con trai được vào học tại một ngôi trường dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và được tiếp nhận sự chăm sóc đặc biệt. Tại đây, cậu được học chữ nổi, tiếng Anh và cách sử dụng máy tính. Cũng nhờ được học tập trong môi trường phù hợp, Srikanth đã phát huy hết toàn bộ khả năng của mình và luôn đạt thành tích xuất sắc. Cậu thậm chí còn có cơ hội tham gia dự án hàng đầu do cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam khởi xướng.
Khi học THPT, Srikanth Bolla học rất giỏi, nhất là các môn khoa học. Thế nhưng cậu lại không được phép theo học ngành này vì khiếm khuyết của mình. Không chấp nhận sự bất công như vậy, Srikanth đã quyết định đấu tranh tới cùng. Cậu kể lại: “Tôi đã kiện chính phủ và chiến đấu trong 6 tháng. Cuối cùng, tôi nhận được lệnh: Tôi có học các môn khoa học nhưng phải tự chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì. Liệu điều này có phải vì tôi bị mù bẩm sinh? Không hề. Tôi thấy rằng chính nhận thức và sự kỳ thị của mọi người mới là điều khiến tôi bị coi là mù".
Được học bộ môn mình yêu thích, Srikanth Bolla đã chứng minh mọi người đã hoàn toàn sai khi nhận định về mình. Một thầy giáo xúc động trước nghị lực và ý chí của cậu đã thu âm lại tất cả các bài giảng rồi đưa cho cậu trò nhỏ. Cũng nhờ sự giúp sức của thầy, Srikanth đã đạt 98% trong các bài kiểm tra của anh, một con số không thể ấn tượng hơn được nữa.
Tuy nhiên, con đường đến thành công của Srikanth Bolla chưa bao giờ là bằng phẳng khi những thách thức khác lại ập đến. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 với số điểm rất cao, Srikanth tự tin nộp đơn vào IIT, thế nhưng cậu lại tiếp tục bị từ chối với lý do bị mù. Srikanth Bolla cho biết: “Nếu IIT không muốn tuyển dụng tôi thì chẳng có lý do gì để tôi muốn cống hiến cho IIT”.
Sau đó, Srikanth lao đầu vào học tập, trau dồi thêm kiến thức và cuối cùng cũng thu về thành quả xứng đáng khi nhận được thư mời nhập học của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ. Cậu cũng là học sinh khiếm thị quốc tế đầu tiên trong lịch sử của ngôi trường danh tiếng này. Năm 2012, Srikanth tốt nghiệp. Cậu bỏ lại cơ hội vàng làm việc tại một tập đoàn của Mỹ và trở về Ấn Độ với rất nhiều lời mời làm việc và mức thu nhập cao ngất ngưởng. Ai cũng nghĩ rằng như vậy là quá đủ với Srikanth Bolla, vậy mà cậu lại từ chối tất cả để tự mở công ty riêng.
LÀM CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI
Trước khi mở công ty hiện tại, Srikanth đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ những người khuyết tật, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ định hướng để họ có được một nền giáo dục phù hợp. Thông qua tổ chức này, nhiều sinh viên đã được Srikanth Bolla giúp đỡ.
"Chúng tôi đã giúp khoảng 300 sinh viên tiếp tục việc học tại các trường dạy nghề. Tuy nhiên sau đó, vì muốn họ có cơ hội việc làm, tôi đã thành lập “Bollant Industries và tuyển khoảng 150 người khuyết tật", cậu nói.
Cứ thế, công ty “Bollant Industries” của Srikanth ra đời và là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bao bì đóng gói thân thiện với môi trường từ giấy tái chế. Điều đặc biệt là, đội ngũ nhân viên của Bollant Industries đều là những người gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc có khiếm khuyết về cơ thể. Cũng như họ, Srikanth đồng cảm với sự thiệt thòi của họ trong xã hội và muốn làm một điều gì đó để xóa bỏ mặc cảm kỳ thị về những người có hoàn cảnh như mình, giúp họ nâng cao đời sống và tái hòa nhập cộng đồng.
Srikanth Bolla cho biết: “Tôi muốn giúp đỡ tất cả những người đang có hoàn cảnh khó khăn như tôi có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình thương không phải là việc cho người ăn xin một đồng xu ở nơi đèn tín hiệu giao thông. Mà là chỉ cho ai đó con đường sống và cho họ cơ hội thăng tiến. Theo tôi, lòng trắc ẩn và sự cảm thông là cách giúp một người như vậy được sống đúng nghĩa, trao cho họ cơ hội phát triển và trở nên giàu có. Sự giàu có không đến từ tiền bạc mà đến từ niềm hạnh phúc…”
Bollant Industries của Srikanth có trụ sở ở Hyderabad và đã có tổng cộng 5 nhà máy sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, mức vốn rơi vào khoảng 7,5 triệu USD. Năm 23 tuổi, Srikanth Bolla trở thành triệu phú. Cậu nhận mình là người may mắn nhất thế giới bởi để có được những thành quả như hiện tại, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, cậu luôn có bố mẹ ở bên và ủng hộ.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Srikanth hiểu được rằng: "Cho đi yêu thương và giúp mọi người trở nên giàu có. Đừng bỏ mặc ai trong cuộc sống này và giúp mọi người không cảm thấy cô đơn. Và cuối cùng, hãy làm những điều tốt rồi hạnh phúc sẽ đến với bạn". Đó cũng là giá trị tốt đẹp, là sứ mệnh mà chàng trai khiếm thị gửi gắm qua doanh nghiệp xã hội mang tên Bollant Industries của mình.
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Srikanth Bolla đã mang lại cảm hứng sống cho rất nhiều người, đặc biệt là những người bất hạnh. Cuộc sống này vốn không công bằng, vì vậy mỗi người luôn cần phải tự nỗ lực để làm chủ cuộc đời mình. Cũng như Srikanth, dù không may mắn sinh ra hoàn hảo như bao người khác, thế nhưng chàng trai trẻ này đã cố gắng hết sức, thậm chí là đấu tranh để chứng minh rằng bản thân mình không có gì khác biệt với mọi người.
Thậm chí, cậu còn làm rất tốt sứ mệnh của mình, góp sức xây dựng xã hội giàu mạnh, mang đến cho cuộc đời, cho những người kém may mắn không chỉ là cơ hội việc làm mà còn cho họ một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
(Tổng hợp)