Vào làm ở trại bò, thấy nhân viên nông trường mặc đồng phục tươm tất, không bị phạt lương nếu bò ăn lúa của dân, Nam ước được làm công nhân. Lên Sài Gòn làm bảo vệ cho nhà hàng, nhiều hôm dãi nắng dầm mưa, Nam lại ước thành nhân viên bán hàng được ngồi máy lạnh. Ở giai đoạn hoang mang nhất về cuộc đời, Nam được một người chị khuyên: "Muốn thay đổi, chỉ có cách đi học".
Chàng thanh niên quyết định bỏ hết mọi thứ, cắp sách đi học lại từ đầu ở một lớp bổ túc.
Hơn mười năm sau, Chu Văn Nam, 32 tuổi, đã tạo dựng được một cơ nghiệp với 74 cửa hàng bán tinh dầu khắp cả nước.
Con đường khởi nghiệp với tinh dầu bắt đầu từ việc Nam đi làm thêm, bán hàng cho một cửa hàng trong siêu thị năm 2012. Khi đó anh 22 tuổi và đang học lớp 11 trường bổ túc văn hóa quận Tân Bình, TP HCM. Dù vừa học vừa làm nhưng Nam luôn là nhân viên có doanh số tốt nhất bởi bất cứ khách nào đến mua, anh đều xin số điện thoại chăm sóc hậu mãi. Vận chuyển hay sửa chữa đèn xông tinh dầu đều miễn phí nên nhiều người nhớ tới.
Làm ở đó được gần hai năm thì chủ cửa hàng muốn rút lui do chi phí mặt bằng tăng cao, doanh số liên tục đi xuống. Nam đánh liều vay bạn 7 triệu đồng, xin nhượng lại cửa hàng, số còn lại trả góp hàng tháng.
Số tiền 7 triệu khi đó chỉ đủ đóng 15 ngày thuê mặt bằng. Tự đặt mình vào thế cùng đường, chàng trai làm việc hết công suất, nhiều ngày chỉ nghỉ ngơi 2-3 tiếng. Sau 6 tháng anh trả được hết nợ cũ. Ngày nhận quyết định sang nhượng cửa hàng tinh dầu đầu tiên, Nam vừa chạy dưới mưa vừa hét vì vui mừng.
Tiếp nhận lại cửa hàng cũng là lúc Chu Văn Nam trở thành sinh viên năm nhất một trường đại học dân lập. Chuỗi ngày làm, đêm học lại tiếp diễn. Nhận thấy lượng khách ở siêu thị ngày càng ít, anh thay đổi chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, lập website, mở rộng hoạt động trên mạng xã hội, tìm cách kinh doanh đa nền tảng...
Sáu tháng tiếp theo, Nam mở thêm cửa hàng tinh dầu thứ hai. Năm đầu tiên, doanh thu hai cửa hàng tăng trưởng 300%. Năm 2017, công ty thương mại chuyên phân phối tinh dầu được thành lập. Chỉ trong ba năm, 74 cửa hàng mang thương hiệu công ty lần lượt xuất hiện khắp 45 tỉnh thành.
Nhưng Covid-19 ập tới suýt nhấn chìm thành quả của chàng trai trẻ. Có thời điểm chuỗi cửa hàng đồng loạt đóng cửa, doanh thu gần như bằng không. Mỗi lần quyết định dừng bán ở một địa điểm, Nam lại nuốt nước mắt vào trong.
"Nhưng tôi quyết không buông xuôi vì sợ nghèo, sợ cảnh không tiền phải ngủ vạ vật ở công viên như trước đây", anh nói.
Cái nghèo mà người đàn ông này nhắc tới đã đeo đuổi anh từ khi sinh ra ở một làng chài ven biển Hà Tĩnh cho đến khi rời quê lên thành phố lập nghiệp.
Gia đình ba đời bám biển, mẹ mất sớm, bố thường lênh đênh ngoài khơi nên ba anh em Nam ở cùng bà nội. Hết lớp 9, Nam nghỉ học đến nhà người thân ở Gia Lai hái thuê cà phê. Lương thấp, làm cực, cậu xin sang nông trường gần đó chăn bò. Sau một năm, chàng trai 19 tuổi nhận được điện thoại của người cô, giục đến Sài Gòn học lái xe.
Dắt túi 5 triệu tiết kiệm được, Nam nhảy xe đến Sài Gòn quyết đổi đời. Không mất tiền ở nhưng phải lo tiền ăn, cậu làm từ bưng bê, rửa bát cho đến bảo vệ ca đêm ở những nhà hàng, quán Internet... Bữa ăn thường chỉ có mì tôm, cơm trắng, nhiều hôm hết tiền phải nhịn đói. Dù khổ nhưng Nam quyết tâm thi đỗ bằng lái, vì không muốn quay lại chăn bò.
Lái xe thuê một thời gian, Nam bị tai nạn dập ngón tay cái. Những ngày dưỡng thương, cậu xin làm bảo vệ ở một hiệu thuốc, thỉnh thoảng lôi sách ra đọc. Một người bán thuốc nhìn thấy khuyên Nam nên đi học lại, thủ tục chị sẽ giúp. Năm 20 tuổi, chàng trai bước chân vào trường bổ túc văn hóa, bắt đầu học lớp 10.
Rời nhà cô, Nam xin chân bưng vác tại cửa hàng nước tinh khiết gần trường bổ túc. Sáng chiều làm việc, tối cắp sách đi học. Chủ nhà quy định 22h đóng cửa, nhiều hôm đi học về muộn vì phải chạy bộ, Nam đành ra công viên ngủ qua đêm, có lần bị trấn lột điện thoại. Sau nửa năm vừa học vừa làm nhưng thấy quá cực, cậu xin bảo lưu, quyết kiếm đủ 20 triệu mới quay lại trường.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Nam lao vào làm 2-3 việc một lúc. Nhiều lúc quá mệt mỏi, muốn buông xuôi, nhưng nghĩ hoàn cảnh gia đình, cậu lại tự tát vào má để nhắc mình "phải cố gắng".
Vài chục cú tát như vậy, Nam kiếm đủ 20 triệu sau bảy tháng và quay lại trường. Hổng kiến thức ở đâu, cậu lại nhờ bạn bè, thầy cô giảng hộ. Cô Danh Thị Huyền Trân, chủ nhiệm năm lớp 10-11 không thể quên cậu học trò gầy gò miệt mài làm bài tập trong giờ ra chơi: "Biết Nam vất vả, tôi từng xin học bổng cho em để bớt chút khó khăn", vị giáo viên nói.
Để có tiền đi học, Nam bán gấu bông ngoài vỉa hè kiếm sống. Sau nhiều lần bị tịch thu hàng vì bán sai nơi quy định, cậu hết vốn, chuyển sang làm xe ôm rồi bán thuê tinh dầu.
Con đường lập nghiệp cơ cực khiến ý chí phấn đấu của chàng trai Hà Tĩnh trở nên mạnh mẽ. Cuối năm 2021, chỉ trong bốn tháng anh đã vực dậy công ty suýt phá sản nhờ sản phẩm lều xông hơi và gói lá xông cho người nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà.
Chị Ngọc Thể, người đồng hành cùng Nam từ những ngày đầu lập nghiệp chia sẻ, phục bạn mình bởi ý chí kiên cường, không sợ thất bại. "Nam thường làm việc 14-15 tiếng mỗi ngày. Cậu ấy luôn biết xoay chuyển, nắm bắt được xu thế để phù hợp với sự thay đổi của thị trường".
Bước đầu thành công trong sự nghiệp, Nam chưa khi nào quên thời khốn khó. Anh vẫn nhớ năm 2013 khi học bài trên vỉa hè lúc bán gấu bông, một cô giáo đi qua chụp lại hình ảnh đó. Vài hôm sau, cô giáo mang tới cho Nam năm phong bì, bên trong toàn tờ 1.000-2.000 đồng do các bạn quyên góp cho cậu học sinh "nghèo mà ham học".
"Vừa đếm tiền nước mắt tôi vừa rơi. Khi đó tôi đã hứa, nếu thành công phải báo đáp xã hội", Nam nói.
Đợt Covid-19 bùng phát mạnh ở TP HCM, dù khó khăn nhưng người đàn ông này vẫn trao 300 phần lương thực cho công nhân một số khu công nghiệp. Ngoài ra anh còn tặng lá xông, tinh dầu cho người dân thành phố, với hơn 30.000 sản phẩm.
Hiện Nam kết hợp với bà con nông dân ở huyện Đắk Song, Đắk Nông và huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk trồng và thu mua nguyên liệu gừng, sả để chiết xuất tinh dầu trong nước. Ước mơ của anh sẽ có ngày đưa tinh dầu do chính người Việt sản xuất ra nước ngoài.
"Tôi luôn tin, với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, ước mơ nào cũng có thể thành thực hiện", Nam nói.