Theo Nghị quyết của Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC - trước đây là Vinashin) và 7 công ty con sẽ thực hiện các thủ tục phá sản từ quý I/2024. Các đơn vị liên quan hạn chế tối đa dùng ngân sách và giảm thiểu tổn thất cho ngành đóng tàu.
Các đơn vị thành viên cho phá sản gồm nhóm công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Riêng đối với Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Mã: SCY), Nhà nước sẽ thu hồi phần vốn góp của công ty mẹ SBIC theo trình tự của Luật Phá sản và quy định về chuyển nhượng vốn. Thời gian rút vốn dự kiến từ quý II/2024.
Có gần 500 tỷ đồng tiền nhàn rỗi
Đóng tàu Sông Cấm tiền thân là một xưởng nhỏ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Tháng 3/1983, công ty đổi tên như hiện tại và đến thực hiện 2007 cổ phần hóa, đưa toàn bộ gần 62 triệu cổ phiếu SCY lên thị trường chứng khoán từ tháng 10/2017.
Đây là doanh nghiệp thành viên duy nhất của SBIC không thuộc diện phải xử lý phá sản. Điều này là dễ hiểu khi công ty vẫn đang ăn nên làm ra và có nhiều cổ đông nên khiến quy trình phá sản nếu có sẽ phức tạp hơn.
Công ty lãi đều đặn hàng chục tỷ đồng mỗi năm tính từ khi công khai tài chính hồi năm 2015 và đang tăng trưởng tốt trong các năm gần đây. Quy mô doanh thu của Đóng tàu Sông Gấm cũng tương đối ổn định trong mức 400 - 600 tỷ đồng/năm trong cùng giai đoạn.
Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm nay, Đóng tàu Sông Cấm ghi nhận doanh thu tăng vọt lên con số kỷ lục 900 tỷ đồng, cao hơn 81% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng cao gấp 3,3 lần cùng kỳ lên gần 73 tỷ đồng.
Công ty đóng tàu đặt mục tiêu doanh thu cả năm là 631 tỷ và lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng. Kết quả trên đã sớm vượt kế hoạch cả năm ở 2 chỉ tiêu quan trọng này.
Công ty còn có tiềm lực tài chính với số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn tổng cộng 490 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm và đang chiếm đến 35% tổng tài sản. Với lượng tiền mặt dồi dào, không vay nợ tài chính.
Ẩn số đối tác chiến lược Damen
Yếu tố khác biệt giúp Đóng tàu Sông Cấm vượt trội so với các đơn vị khác trong hệ thống Vinashin là nhờ mối quan hệ với đối tác Tập đoàn Damen (Hà Lan). Hai bên đã hợp tác từ năm 2002 với những hợp đồng đầu tiên là đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Sau đó, công ty Việt Nam tiếp tục ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng đóng tàu mới chuyên dụng xuất khẩu cho tập đoàn đóng tàu Damen. Tính đến tháng 12/2019, công ty đã đóng mới và bàn giao cho phía Damen trên 300 sản phẩm các loại.
Theo báo cáo tài chính đã xoát xét bán niên năm 2023, Tập đoàn Damen đã ứng trước theo hợp đồng hơn 600 tỷ đồng cho Đóng tàu Sông Cấm để thi công các hạng mục của tàu đã được ký kết giữa hai bên.
Không chỉ dừng lại ở đó, các công ty này còn tham gia thành lập Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm hồi năm 2022. Đây là liên doanh do Đóng tàu Sông Cấm sở hữu 30% vốn và tập đoàn phía Hà Lan nắm giữ 70% cổ phần, trên vốn điều lệ 822 tỷ đồng.
Công ty cho biết mục tiêu chính thời gian tới là đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; tập trung vào đóng tàu xuất khẩu cho Damen; khai thác thêm các thị trường đóng mới, gia công và sửa chữa tàu trong ngoài nước.
Thông tin thêm vào năm 2014, Damen đã đề cập đến việc mua 70% cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đã chấp thuận đề nghị về việc mua 70% cổ phần nhà máy đóng tàu này.
Tuy nhiên, thương vụ này vẫn còn dang dở do vướng mắc về câu chuyện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 49%. Damen muốn mua một lần để trở thành công ty mẹ nhưng cổ đông Nhà nước chỉ muốn bán trước 49% và sẽ xem xét bán tiếp 21% khi có đủ điều kiện.
Trong các buổi làm việc với phía Việt Nam khi đó, Damen thông báo “không có chủ trương mua cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo nhiều giai đoạn”, mà vẫn mong muốn được Chính phủ cho phép mua một lần với tỷ lệ 70% vốn.
Theo cơ cấu cổ đông hiện nay, SBIC hiện là công ty mẹ nắm giữ đến sở hữu 90,08% vốn điều lệ Đóng tàu Sông Cấm. Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng (thuộc SBIC) cũng nắm giữ 7,54% cổ phần và còn lại thuộc về cổ đông nhỏ lẻ.