Những năm qua, với tiềm năng tăng trưởng hàng đầu khu vực thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu bia.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy, tính đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới và Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về mức tiêu thụ bia.
Việt Nam là một trong những thị trường bia lớn của Đông Nam Á, thu hút sự tham gia của khá nhiều đơn vị, cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường có tính tập trung rất cao với đa số thị phần nằm trong tay 4 thương hiệu lớn là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlsberg.
Tuy nhiên, dữ liệu thống kê của Vietdata cũng cho thấy những sản phẩm như bia Sài Gòn (Sabeco), bia Hà Nội (Habeco) đang dần lép vế trước thương hiệu như Tiger và Heineken thuộc công ty Heineken Việt Nam.
Theo đó, gần đây, dù thị trường bia được cho là có những sự giảm tốc nhất định do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn khiến sức mua giảm cũng như việc siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông, nhất là sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp dường như ‘miễn nhiễm’ với những tác động tiêu cực này.
Theo đó, năm 2022, dữ liệu của Vietdata cho thấy kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Nhà Máy Bia HEINEKEN Việt Nam đã tiếp tục là thương hiệu dẫn đầu ngành bia Việt Nam với doanh thu lập đỉnh khi cán mốc doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD (khoảng 36.000 tỷ đồng) .
Cụ thể, doanh thu thuần của HEINEKEN trong năm 2020 đạt khoảng 30.000 nghìn tỷ đồng. Năm 2021 giảm nhẹ về mức khoảng 24.000 tỷ đồng và bật tăng mạnh tăng hơn 50% vào năm 2022 ở mức khoảng 36.000 tỷ đồng .
Về lợi nhuận sau thuế của HEINEKEN đạt khoảng 9.000 tỷ đồng trong năm 2020, sang 2021 giảm gần 30% và tăng hơn 60% vào năm 2022 ở mức khoảng hơn 10.000 tỷ đồng .
Về HEINEKEN Việt Nam, doanh nghiệp là liên doanh giữa HEINEKEN và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), HEINEKEN Việt Nam có lịch sử 30 năm tại Việt Nam.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, từ nhà máy đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1991, đến nay HEINEKEN Việt Nam đã có 6 nhà máy với hơn 3.000 nhân viên trên khắp Việt Nam cũng như đang tạo ra 152.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, đóng góp tương đương 0,7% tổng GDP quốc gia.
Nhận định về triển vọng của thị trường bia Việt Nam trong thời gian tới, Vietdata đánh giá vẫn còn tồn tại 1 số thách thức nhất định và Nghị định 100/CP về xử phạt người uống rượu bia dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra rào cản lớn đối với ngành bia trong năm nay.
Bên cạnh đó, sự tăng giá của nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành. Các nguyên liệu chính như bột trợ lọc dự kiến tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt, việc giá malt, nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
Ngoài ra, theo Vietdata, hiện nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi cũng khiến doanh nghiệp bia trong nước đối mặt với khó khăn nếu được áp dụng chính thức.