MB vài năm qua là một trong những tổ chức tín dụng trong nước cho Novaland, Trung Nam group vay dài hạn, đầu tư trái phiếu nhiều nhất. Do đó, trong một số Đại hội thường niên của nhà băng gần đây, ban lãnh đạo MB nhiều lần nhận các câu hỏi của cổ đông về tình hình trả nợ, rủi ro thanh khoản với các khoản vay của đối tác lớn.
Tại hội nghị Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và triển vọng tăng trưởng năm 2025 của MB, chiều ngày 10/1, ông Phạm Như Ánh - CEO MB tiếp tục trả lời chất vấn cổ đông về các khoản vay tại Novaland, Trung Nam.
Nợ của Novaland và Trung Nam thuộc nhóm 1
Theo CEO MB, nợ của hai doanh nghiệp đều là thuộc nhóm 1, tức khoản nợ trong hạn thanh toán và được ngân hàng đánh giá có khả năng thu hồi.
“Trong 6 tháng đầu năm 2025, các dự án như Aqua City Đồng Nai và Phan Thiết đang trong tiến trình tháo gỡ pháp lý đang được triển khai với sự đồng hành của Chính phủ” , ông Ánh nói.
Bổ sung, bà Phạm Thị Trung Hà – Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc MB cho biết, khoản nợ của Trung Nam và Novaland đều có tài sản đảm bảo gấp từ 2-2,5 dư nợ.
“Hiện, các doanh nghiệp này vẫn trợ nợ bình thường”, bà Hà nói thêm.
Trước đó, trong các cuộc họp với nhà đầu tư, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cũng nhiều lần trấn an cổ đông về khoản nợ của Nam Trung và Novaland.
Theo ông Thái, MB những năm qua đều giới hạn quy mô đầu tư vào nhóm doanh nghiệp này. Tài sản đảm bảo thường gấp ba lần quy mô dư nợ cho vay. Nên nhà băng luôn có biện pháp để kiểm soát khoản vay của các doanh nghiệp này.
Số phận ngân hàng 0 đồng: Hướng đi nào cho MBV?
Không chỉ quan tâm đến khoản nợ tại Novaland và Nam Trung, câu chuyện cơ cấu ngân hàng 0 đồng cũng là chủ đề nóng trong buổi tiếp xúc cổ đông của lãnh đạo MB hôm nay.
“Tương lai của OceanBank nay là MBV?”, “Cách MB tái cơ cấu nhà băng 0 đòng”, “Kết quả kinh doanh của MBV có gộp vào báo cáo tài chính hợp nhất của MB không?”… là chuỗi câu hỏi được cổ đông đặt ra.
Về tương lai của MBV, ông Ánh cho biết, khi vào tiếp quản ngân hàng 0 đồng hồi giữa tháng 10, MB đã tập trung nguồn lực về công nghệ cử đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm để kiện toàn bộ máy và đưa ra phương án chiến lược để tham gia tái cơ cấu.
Nội dung cụ thể về đề án tái cơ cấu không được CEO MB tiết lộ do liên quan đến bảo mật, song, người điều hành MB nói cơ chế giúp MBV có khả năng sinh lời. Theo đó, MB sẽ bán dư nợ sinh lời, dư nợ tốt cho MBV. MBV được dùng dư nợ này để vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất bằng 0, từ đó, tạo ra cơ chế sinh lời.
Cuối cùng, với quan tâm của cổ đông về việc có hợp nhất kết quả kinh doanh của MBV và MB hay không, ông Ánh cho biết, lợi nhuận báo cáo hợp nhất của MB không hợp nhất kết quả kinh doanh của MBV. Khoản bán nợ của MB cho MBV cũng không tính vào room tăng trưởng của MB.
Bên cạnh giải đáp thắc mắc của cổ đông, trong cuộc họp, lãnh đạo MB cũng cập nhật kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm nay. Năm 2024, tổng tài sản ngân hàng đạt 1 triệu tỷ, tăng hơn 18%. Tăng trưởng tín dụng đạt trên 760.000 tỷ đồng, tăng 25%. Trong khi, huy động tăng 18%, ghi nhận mức hơn 800.000 tỷ đồng.
Dự kiến, năm 2024, doanh thu MB tăng 21%, lợi nhuận đạt 27.600 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
“Ngân hàng MB tích cực trong việc trích lập dự phòng, để bảo vệ cho tương lai. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng đạt mức trên 100%”, Kinh tế trưởng MB nói với nhà đầu tư.
Trong năm 2025, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 22% lên mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tín dụng, huy động vốn đều tăng trên 25%, đạt mức hơn 1 triệu tỷ. Ngân hàng đặt mục tiêu nhuận trước thuế tăng 8-10%, dự kiến đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu 100%.