Chứng khoán

Quyết định của SK tại Vingroup, Masan hay Imexpharm có lạ?

Theo công bố thông tin từ phía SK, tổ chức này đăng ký giao dịch lượng cổ phiếu VIC trên trong khoảng thời gian từ ngày 16/1 đến ngày 14/2 theo phương thức thỏa thuận. Một nguồn tin thân cận cho biết phía SK đã tìm được bên mua lô cổ phiếu trên.

Với giao dịch thỏa thuận với mức giá đã được xác định giữa hai bên mua bán, giao dịch trên không tác động đến thanh khoản cổ phiếu VIC trên thị trường giao dịch khớp lệnh.

Sau giao dịch, tổ chức SK còn nắm giữ hơn 180,6 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 4,72% vốn của Tập đoàn Vingroup, tiếp tục là cổ đông tổ chức nước ngoài lớn nhất, đồng thời là cổ đông chiến lược của tập đoàn.

Nói về giao dịch này, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Theo chúng tôi được biết, việc SK bán cổ phần lần này đã nằm trong chiến lược hoạch định lại danh mục đầu tư của đối tác tại các thị trường quốc tế nói chung. SK vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng thị trường Việt Nam nói chung và Vingroup nói riêng với đa dạng cơ hội kinh doanh và vị thế dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Đối với Vingroup, SK vẫn là đối tác quan trọng. Hai bên vẫn đang trao đổi về một số cơ hội hợp tác nhằm tận dụng tối đa tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn phục hồi ngoạn mục hậu Covid và chuẩn bị đà để tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2025, Tập đoàn Vingroup luôn chủ động chuẩn bị các nguồn lực, quản trị tối ưu dòng tiền, tận dụng các cơ hội huy động vốn từ thị trường trong nước và quốc tế khi điều kiện cho phép để có thể phát triển bền vững”.

Giá cổ phiếu VIC của Vingroup lình xình trong nửa năm gần đây. Nguồn: TradingView.

Trở lại với hoạt động của SK, tổ chức này liên tục có những giao dịch nhằm cơ cấu danh mục đầu tư tại Việt Nam. Do đó, quyết định thoái vốn lần này tại Vingroup sau 6 năm trở thành cổ đông chiến lược của SK không phải là thông tin quá bất ngờ với giới đầu tư.

Đầu tháng 11/2024, SK Investment Vina I Pte. Ltd. (thuộc SK Group) đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại Masan Group là 3,67% vốn điều lệ và qua đó không còn là cổ đông lớn tại Masan.

Trung tuần tháng 12, theo nguồn tin từ Bloomberg, SK Group đang cân nhắc bán 65% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) trong bối cảnh cổ phiếu của công ty dược này tăng mạnh trong năm nay.

Tập đoàn Hàn Quốc này đang làm việc với một đơn vị tư vấn tài chính về việc thoái vốn, các cuộc thảo luận đang diễn ra. Đại diện của SK Group từ chối bình luận về vấn đề này.

Imexpharm hiện có vốn điều lệ 1.540 tỷ đồng, là công ty dược có vốn điều lệ cao nhất trên sàn. Theo báo cáo quản trị, tính tới cuối tháng 6, SK và các bên liên quan (KBA, Binh Minh Kim) sở hữu khoảng 64,8% vốn tại Imexpharm. Riêng SK Investment Vina III Pte. Ltd nắm 47,67% vốn, CTCP Đầu tư Bình Minh Kim với 9,75%, CTCP Đầu tư KBA sở hữu 7,37% vốn tại đây.

Tuy nhiên, như vừa nêu trên, SK đang thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư tại Việt Nam, khác với quan điểm họ rút vốn. Minh chứng rằng, trong tháng 10/2024,Tập đoàn SK đã mua lại cổ phần của Công ty TNHH sản xuất ISCVina, chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD (gần 8.000 tỷ đồng). Quy mô đầu tư này lớn hơn giá trị thương vụ bán MSN và VIC.

Dự án này có tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) và dự kiến tăng lên gần 11.900 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD) vào năm 2030.

Từ cuối năm 2020, thị trường đã đón nhận thông tin rằng SK Group sẽ thay đổi chiến lược đầu tư của họ, chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống và từng là hàng đầu sang tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như pin xe điện, nhiên liệu hydro, sinh học và chip. Điều nàynhằm vào các mục tiêu phát thải và giảm thiểu phát thải, các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như sử dụng hydro và carbon, công nghệ thông tin và truyền thông.

Đây là xu hướng chung của nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Song song với chiến lược của cổ đông, Vingroup cũng đang dịch chuyển mô hình, đầu tư vào cho lĩnh vực công nghệ - AI (trí tuệ nhân tạo), xe điện. Theo quan sát, tiếp nối sau Vinfast, một loạt cái tên trong lĩnh vực công nghệ, AI đã xuất hiện trong hệ sinh thái của Vingroup như VinAi, Vinbigdata, Vinrobotics, mới đây là Vinmotion.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm