Thống kê mới đây của FiinTrade, nền tảng cung cấp và phân tích dữ liệu chứng khoán chuyên sâu thuộc FiinGroup, cho thấy nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường. Họ trở thành động lực chính cho sự hồi phục thanh khoản trong năm 2024 khi giá trị giao dịch bình quân của nhóm này tăng 22,7%, lên mức 18.700 tỷ đồng mỗi phiên.
Họ đã mua ròng tổng cộng hơn 77.700 tỷ đồng trên HoSE, trong đó có hơn 66.000 tỷ đồng qua khớp lệnh. Nhà đầu tư cá nhân trở thành đối ứng chính với lực bán ròng mạnh của khối ngoại. Năm trước, nhóm nước ngoài bán ròng hơn 90.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong hành vi đầu tư của nhóm cá nhân nằm ở xu hướng đẩy mạnh giao dịch và mua ròng khi VN-Index tăng mạnh hoặc ở vùng đỉnh. Ngược lại, họ thường giảm giao dịch và chuyển sang vị thế bán ròng trong các đợt điều chỉnh.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh giao dịch và mua ròng rõ rệt từ tháng 3, VNI-Index thời điểm đó đã tăng hơn 20% từ đáy cuối tháng 10/2023 lên vùng đỉnh cũ trước đó. Đỉnh điểm mua ròng vào tháng 5-6 với kỳ vọng thị trường vượt 1.300 điểm.
Trong giai đoạn cao điểm trên, top cổ phiếu được họ mua ròng là nhóm Vingroup (VHM, VRE, VIC), ngân hàng (CTG, VCB, BID), công nghệ thông tin (FPT, CMG), thép (HPG), chứng khoán (VND, SSI) và hóa chất (DGC). Ngoại trừ FPT và CTG, phần lớn các cổ phiếu mà cá nhân mua ròng mạnh lại có giá đi ngang (VCB, BID) hay thậm chí giảm mạnh (CMG, HPG, VND, SSI, DGC) ở giai đoạn sau đó.
Đến nửa cuối năm 2024, VN-Index liên tục đi ngang trong biên độ rộng 1.200-1.300 điểm. Nhà đầu tư cá nhân sau đó có động thái thu hẹp quy mô mua ròng, giảm giá trị giao dịch.
"Nhà đầu tư cá nhân là động lực cho sự hồi phục về thanh khoản nhưng phần lớn không thể chiến thắng thị trường", nhóm phân tích FiinTrade nhận định.
Thực tế thời gian qua, chứng khoán tăng hai con số nhưng nhà đầu tư vẫn khó có lãi. Một thăm dò gần đây của VnExpress với hơn 4.100 lượt trả lời cũng cho thấy, chứng khoán năm qua chỉ là kênh đầu tư có hiệu suất tốt thứ năm trong danh mục của các nhà đầu tư, xếp sau Bitcoin, vàng, bất động sản, gửi ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS), từng lý giải điều này rằng mức tăng trưởng hai con số của VN-Index chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán ở quý I (tăng 13,6%). Trong khi đó, từ quý II, thị trường lại đi ngang và liên tục kiểm tra đỉnh 1.300 điểm thất bại.
Theo số liệu của PHS đến cuối quý III/2024, dư nợ cho vay margin của thị trường vẫn ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã và đang có xu hướng giảm dần sau khi lập đỉnh vào quý I. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy nhiều hơn. Trong trường hợp họ tham gia mua đuổi tại vùng kháng cự 1.300 điểm và kết hợp sử dụng đòn bẩy, khả năng thua lỗ nặng là điều có thể xảy ra.
"2024 không phải là một năm êm ả với nhiều quốc gia trên thế giới cũng như thị trường Việt Nam", bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận xét.
Sau một năm nhiều biến động, chuyên gia này cho rằng bài học lớn nhất với nhà đầu tư là tầm quan trọng của kỷ luật, kiên nhẫn và quản trị rủi ro. Một lưu ý khác là sự cần thiết của việc đa dạng hóa danh mục, đồng thời luôn duy trì kiến thức và sự tỉnh táo trong đầu tư.
Theo bà Thảo Như, diễn biến thị trường chứng khoán năm 2024 đã củng cố tầm quan trọng của việc đầu tư có kế hoạch, xây dựng tư duy dài hạn và duy trì sự linh hoạt trước những thay đổi trong thị trường. "Đây là những bài học không chỉ áp dụng trong 2024 mà còn cần thiết cho sự phát triển bền vững trên hành trình đầu tư lâu dài", chuyên gia nhấn mạnh.