Tài chính

Chuyên gia về thị trường tiền tệ chỉ ra rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND trong năm 2025

Chuyên gia về thị trường tiền tệ chỉ ra rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND trong năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong báo cáo về triển vọng thị trường liên ngân hàng 2025 mới công bố, Nhóm Nghiên cứu và Phân tích thuộc Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV cho biết tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 5% trong năm 2024 và diễn biến phức tạp với 3 giai đoạn chính: tăng mạnh 5% trong nửa đầu năm, sau đó giảm trở lại khoảng 3% trong quý III và tăng trở lại 3% trong quý IV.

Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung mức mất giá của VNĐ cũng không quá lớn nếu so với một số đồng tiền khác trên thế giới như JPY (11,1%), KRW (12,2%), EUR (5,4%), PHP (5,7%)… Bên cạnh sự dịch chuyển kém thuận lợi của môi trường quốc tế thì tỷ giá còn chịu chi phối chính bởi sự kém dồi dào của cung cầu ngoại tệ với mức thâm hụt khoảng 8 tỷ USD và chênh lệch lãi suất VNĐ-USD duy trì âm sâu trong nửa đầu năm. Yếu tố góp phần làm chậm lại đà tăng của tỷ giá là động thái can thiệp, bình ổn của NHNN thông qua các kênh như hút tín phiếu trên thị trường mở hay bán ngoại tệ với quy mô hơn 8 tỷ USD.

Sau một năm 2024 thăng hoa và khẳng định sức mạnh, đồng USD bước vào năm 2025 với nhiều ẩn số khó lường đón nhưng xu hướng chung kỳ vọng là đi lên.

Nhóm nghiên cứu của BIDV nhân định, động lực lớn nhất với đồng USD vẫn là vị thế vượt trội của kinh tế Mỹ so với các quốc gia lớn khác và mối lo áp lực lạm phát có thể quay trở lại dưới tác động của các biện pháp thuế quan kéo theo lộ trình nới lỏng chậm lại của Fed. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD cũng phần nào bị hạn chế khi những tác động tiêu cực từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump đã phản ánh tương đối vào đà tăng hơn 8% của đồng USD trong quý IV/2024.

Ngoài ra, một số quan điểm cũng cho rằng mức thuế thực tế mà chính quyền Trump áp dụng trong năm 2025 có thể không mạnh mẽ và toàn diện như ông “đe dọa” lúc đầu. Thay vào đó, ông có thể chỉ sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán, ngoại giao để đổi lấy sự nhượng bộ, đáp trả điều kiện từ các đối tác.

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu, xu hướng của chỉ số USD (DXY) vẫn khá giằng co, dao động trong biên độ rộng 106-111 và áp lực tăng có thể cao hơn trong giai đoạn nửa đầu năm. Nhóm nghiên cứu dẫn dữ liệu lịch sử năm 2016- 2017 cho thấy khi Donald Trump lần đầu đắc cử Tổng Thống, chỉ số DXY sau khi tăng 5% vào cuối năm 2016 thì đã giảm mạnh trở lại hơn 11% trong năm 2017, chủ yếu do sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế khác so với Mỹ như EU, Trung Quốc.

“Tuy nhiên điều này khó có thể lặp lại trong năm 2025 khi các quốc gia trên đang đối mặt với rất nhiều khó khăn cả ngắn hạn cũng như trung dài hạn”, nhóm nghiên cứu của BIDV đánh giá.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng tỷ giá USD/VND vẫn duy trì đà đi lên nhưng mức tăng trong 2025 có thể thấp hơn so với 2024, quanh khoảng 3-4% tại thời điểm cuối năm. Rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá vẫn xuất phát chủ yếu từ các vấn đề quốc tế như mặt bằng lãi suất USD ở mức cao kéo dài, sức mạnh đồng USD tiếp tục củng cố, rủi ro địa chính trị & chiến tranh thương mại khó lường đón. Trong khi đó, điều kiện trong nước có phần giảm bớt áp lực hơn cho tỷ giá so với 2024:

Thứ nhất , cân đối cung cầu ngoại tệ dự kiến có thể cải thiện so với năm 2024 dù chưa dồi dào, chuyển từ thâm hụt sang cân bằng. Trong đó, giải ngân FDI kỳ vọng có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối tích cực 8-10% nhờ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất Trung Quốc + 1. Cán cân thương mại dự kiến thặng dư ở mức thấp hơn so với năm trước – ước đạt khoảng 19-20 tỷ USD, chủ yếu do thương mại toàn cầu chậm lại và nhu cầu nhập khẩu cho các dự án đầu tư công lớn có xu hướng gia tăng. Vay nợ nước ngoài và lỗi, sai sót có thể cải thiện nhẹ cùng quá trình hạ lãi suất của Fed.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất VNĐ-USD bình quân kỳ hạn ngắn dự kiến dao động quanh mức 0%/năm, tăng mạnh so với mức (-1,3)%/năm của năm 2024, trong bối cảnh lãi suất VNĐ và USD có thể giảm khoảng 25-50 điểm trong năm 2025.

Thứ ba , với kinh nghiệm tích lũy trong thời gian qua, NHNN dự kiến sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt với biên độ phù hợp, sẵn sàng sử dụng các công cụ can thiệp để bình ổn trong những thời điểm chịu áp lực lớn. Đây cũng là yếu tố có thể hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng của tỷ giá trong những giai đoạn căng thẳng

Cùng chuyên mục

Đọc thêm