Tài chính

Dùng vũ lực kiểm soát kênh đào Panama và Greenland, Mỹ thiệt nhiều hơn lợi?

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 7-1 tuyên bố rằng ông muốn mua lại kênh đào Panama (thuộc chủ quyền của Panama ở Trung Mỹ) và đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Các nhà phân tích không tán đồng ý tưởng ông Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát kênh đào và hòn đảo lớn nhất thế giới.

Dùng vũ lực kiểm soát kênh đào Panama và Greenland, Mỹ thiệt nhiều hơn lợi?- Ảnh 1.

Đảo Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ảnh: Universal Images Group Editorial

TS Scott Kennedy tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với tờ The Straits Times rằng khả năng Mỹ sử dụng vũ lực ở Greenland hoặc Panama là 0%.

Theo chuyên gia này, đó chỉ là thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với hai khu vực đó, liên quan đến việc tiếp cận khoáng sản, tuyến đường vận chuyển và mối quan ngại về tính bền vững - những mối quan ngại bình thường được thể hiện theo cách rất bất thường.

GS Cui Hongjian, chuyên gia về châu Âu tại Trường ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho hay hầu hết mọi người đều biết rằng ông Trump là người đòi hỏi cao khi bắt đầu đàm phán nhưng lại sẵn sàng chấp nhận mức thấp.

Ông cho rằng ông Trump có thể thực tế hơn để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh kinh tế của Mỹ tại Greenland bằng cách áp dụng cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như khuyến khích hòn đảo lớn nhất thế giới này tìm kiếm quyền tự chủ nhiều hơn từ Đan Mạch. Điều này có thể tạo ra nhiều điều kiện hơn cho sự ảnh hưởng của Mỹ.

GS Cui cũng lập luận nếu ông Trump áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn, điều này có nghĩa là ông sẽ ít có khả năng gây áp lực mạnh mẽ lên các lợi ích thương mại của Greenland, vốn là cơ sở khiến Greenland sẵn sàng cho phép Trung Quốc đầu tư vào các mỏ của mình.

Trung Quốc cũng muốn sử dụng một tuyến đường vận chuyển gần Greenland, tuyến đường này sẽ mở ra khi băng ở Bắc cực tan dần do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đối với kênh đào Panama, ông Trump sẽ khó hạn chế các tàu buôn của Trung Quốc sử dụng kênh đào này. Hiệp ước trung lập, đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào với quyền tiếp cận công bằng cho tất cả các quốc gia và phí cầu đường không phân biệt đối xử, đã có hiệu lực kể từ khi Mỹ trao trả tuyến đường thủy này cho Panama vào năm 1999.

Các nhà phân tích Mỹ cảnh báo rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại kênh đào Panama, nếu không được kiểm soát, có thể đe dọa đến an ninh kinh tế của Mỹ.

Mặc dù Trung Quốc không kiểm soát kênh đào nhưng việc các công ty Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) kiểm soát các cảng lớn ở cả hai đầu Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của tuyến đường thủy này đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có khả năng phong tỏa kênh đào để cản trở tàu thuyền Mỹ đi qua.

Trung Quốc là nước sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ. Hiện có khoảng 40 công ty Trung Quốc đang hoạt động quanh kênh đào, trong các lĩnh vực như hậu cần, tài chính và điện.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng nếu Mỹ sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp cứng rắn khác để hạn chế các hoạt động hợp pháp của công ty Trung Quốc tại Panama và Greenland thì thiệt hại chung đối với các giá trị của phương Tây và mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới sẽ lớn hơn nhiều so với tổn hại đối với lợi ích của Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm