Tài chính

Dòng tiền vào chứng khoán cận đáy 3 năm: Nghỉ Tết sớm hay chuyện gì?

Dòng tiền vào chứng khoán cận đáy 3 năm, nghỉ Tết sớm hay chuyện gì xảy ra? - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường chứng khoán èo uột khi cận Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9-1, VN-Index giảm điểm nhẹ nhưng thanh khoản chỉ đạt hơn 6.600 tỉ đồng, mức thấp gần nhất 3 năm gần đây. Trong phiên sáng nay (10-1), sàn HoSe cũng chỉ ghi nhận hơn 3.500 tỉ đồng.

Ngoài yếu tố mùa vụ như thanh khoản thị trường gần Tết Nguyên đán thường thấp do nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào kỳ nghỉ, giới chuyên gia cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác.

Khối ngoại rút tiền, dòng tiền nội phân tán khi lãi suất cao hơn

Theo chuyên gia SGI Capital, khác với bối cảnh đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 kém thuận lợi hơn khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi hệ thống nhà băng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng.

Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán, vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết, các nhà phân tích từ SGI Capital nhìn nhận.

Thông thường, các giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản tụt giảm, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến, SGI Capital lý giải thêm về câu chuyện thanh khoản.

Không chỉ SGI Capital, hầu hết giới phân tích đều nhìn nhận mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 và cả 2025 là áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Mức bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỉ đồng năm ngoái đã khiến VN-Index không thể vượt qua mốc 1.300 điểm dù dòng tiền nội đã tham gia mạnh mẽ và hấp thụ tốt lượng cung này.

Vừa qua, Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỉ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.

Vẫn còn nhiều yếu tố tích cực khác

Ở góc nhìn lạc quan hơn, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam lại cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thích hợp để tích lũy các khoản đầu tư ở mức định giá hấp dẫn.

Phân tích chu kỳ thị trường gợi ý rằng chu kỳ tăng giá của thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục, theo Mirae Asset Việt Nam.

Bộ phận phân tích công ty chứng khoán có vốn ngoại này cũng chỉ ra mức định giá hấp dẫn của thị trường được xác định dựa trên 2 yếu tố là mức định giá P/E thấp so với mức trung bình lịch sử và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.

"Đáng chú ý, những khó khăn thị trường đã phải đối mặt trong năm 2024 sẽ được giải quyết trong năm 2025", chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn theo hướng linh hoạt, hỗ trợ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Dù vậy Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam không phủ nhận, rủi ro chính đối với kỳ vọng này là áp lực mất giá của tiền đồng so với USD.

Tuy nhiên, xét về bối cảnh kinh tế, Chính phủ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao cho giai đoạn 2025 - 2030.

Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các mục tiêu và giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp, chuyên gia Mirae Asset cho hay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm