Thời sự

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị truy tố vì nhận 300.000 USD, "tiếp tay" cho cát tặc lộng hành

Hàng loạt chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Ngày 10/1, Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thanh Bình , cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và cựu Chánh văn phòng UBND tỉnh này là ông Nguyễn Bảo Trung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cùng vụ án, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư; cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí bị truy tố tội “Nhận hối lộ”.

Bị can Lê Quang Bình , Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68, bị truy tố về 3 tội danh, gồm: “Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Rửa tiền”.

Hơn 30 bị can khác bị truy tố về một trong ba tội: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị truy tố vì nhận 300.000 USD, 'tiếp tay' cho cát tặc lộng hành- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Thanh Bình, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Cáo trạng xác định, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 do ông Lê Quang Bình làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đã nộp hồ sơ đề nghị UBND tỉnh An Giang khảo sát, cấp phép cho khai thác cát tại mỏ Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân theo hình thức chỉ định không qua đấu giá.

Việc chỉ định nhằm mục đích để Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 có nguồn cát cung cấp cho các công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

Từ đề nghị của doanh nghiệp, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo "tạo điều kiện" cho Trung Hậu 68 được khảo sát, thăm dò và cấp phép khai thác cát tại xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân.

Sau khi được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, nhóm cán bộ tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang hướng dẫn các tiêu chí lựa chọn đơn vị cấp quyền thăm dò mỏ cát để tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 trúng quyền khai thác.

Theo cáo buộc, khi được cấp phép khai thác lần đầu với khối lượng 300.000 m3, Công ty Trung Hậu 68 lại đề nghị được nâng "công suất". Ông Nguyễn Thanh Bình dù biết doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là bị can Trần Anh Thư, Nguyễn Việt Trí cho làm thủ tục điều chỉnh giấy phép hai lần sau đó nâng lên 1,1 triệu m3.

Cơ quan truy tố cho hay, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế nhưng ông Nguyễn Thanh Bình vẫn gửi văn bản báo cáo Thủ tướng xin áp dụng cơ chế cho doanh nghiệp để không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng được điều chỉnh giấy phép, nâng công suất mỏ cát.

Khi biết độ sâu đáy sông khu vực mỏ cát đã vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tăng công suất khai thác, ông Lê Quang Bình đã chủ động gặp lãnh đạo tỉnh để đặt vấn đề. Sau cuộc gặp, cựu Chủ tịch tỉnh chỉ đạo cấp dưới "tạo mọi điều kiện" để doanh nghiệp tiếp tục được nâng công suất khai thác.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị truy tố vì nhận 300.000 USD, 'tiếp tay' cho cát tặc lộng hành- Ảnh 2.

Bị can Lê Quang Bình (trái) cùng đồng phạm trong vụ án.

Được doanh nghiệp 'lại quả'

Theo cơ quan truy tố, những chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Bình đã "tạo điều kiện" cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu 68 khai thác trái phép 3,7 triệu m3 cát, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 294 tỷ đồng. Đổi lại, Chủ tịch Công ty Lê Quang Bình đã chi cho ông Bình 300.000 USD.

Ngoài ra, ông Lê Quang Bình cũng chi cho cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí 3,1 tỷ đồng; chi cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư 961 triệu đồng và cựu Chánh văn phòng Nguyễn Bảo Trung 550 triệu đồng.

Đáng chú ý, ngoài cung cấp cát cho các dự án theo giấy phép, bên truy tố còn cáo buộc ông Lê Quang Bình tổ chức khai thác cát trái phép, bán cho khách lẻ ngoài dự án với tổng số 3,7 triệu m3, thu lời 294 tỷ đồng; bán vị trí khai thác cát trong khu mỏ của Trung Hậu 68 cho các doanh nghiệp khác để họ khai thác, bán lẻ cho khách.

Ông này cũng chỉ đạo nhân viên nhận tiền mặt khi thanh toán mua bán cát và không có biên nhận, không ghi chép lại. Đồng thời, mượn tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền và chuyển lòng vòng.

Từ tháng 10/2022 - 7/2023, bằng tài khoản của ba người, ông Lê Quang Bình đã nhận 170 tỷ đồng tiền thanh toán của khách lẻ. Trong đó, ông dùng 37 tỷ đồng để nhờ anh trai và cháu mua 6 bất động sản ở TP HCM, Long An, Tiền Giang; dùng 9,1 tỷ đồng mua 8 ô tô hạng sang như Mercedes S450, G63, Lexus 570, xe nào cũng chỉ trả một khoản tiền, còn lại thế chấp vay vốn ngân hàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm