Theo CEO Masan Group, ông Danny Le, nhà đầu tư giờ đây đã không còn kiên nhẫn với các công ty thua lỗ, tờ Nikkei Asia tường thuật lại.
Masan - nhà bán lẻ được hậu thuẫn bởi Bain Capital và Alibaba, cho biết trong ngắn hạn họ sẵn sàng chịu một số khoản lỗ nhưng trong thời điểm “chi phí vốn cao”, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn được như trước.
“Với một công ty trị giá hàng tỷ USD, nhà đầu tư có lẽ không còn chấp nhận chuyện thua lỗ nữa”, Danny Le nói trong một sự kiện công nghệ do tập đoàn tổ chức mới đây.
Tập đoàn Masan Group được thành lập bởi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - người giàu thứ 5 Việt Nam, theo Forbes. Masan Group là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, hiện sở hữu hàng chục công ty con, từ nhà cung cấp vonfram cho Tesla đến chuỗi siêu thị WinMart được mua lại từ Vingroup.
9 tháng đầu năm, lợi nhuận Masan Group giảm 6% so với cùng kỳ. Điều này chủ yếu đến từ sự sụt giảm tại Techcombank, chuỗi WinMart/WinMart+ và CTCP Masan High-Tech Materials. Hai công ty sau là những thương vụ mở rộng gần đây của Masan.
Ông Danny Le cho biết công ty sẽ cho một số doanh nghiệp mới của mình thời gian để đạt được mức biên lợi nhuận lành mạnh trong trung hạn.
“Ngày trước, nhà đầu tư sẽ kiên nhẫn xem liệu bạn có thể đưa công ty trở nên có lãi hay không. Nhưng thời của sự kiên nhẫn quá mức như thế đã qua rồi”, ông nói thêm.
TPG, Tập đoàn SK, Cơ quan đầu tư Abu Dhabi và Seatown Holdings đã đầu tư vào Masan. Masan đã nhất trí với các nhà đầu tư rằng sẽ đưa cổ phiếu của The CrownX lên sàn vào năm 2026, có thể là ở nước ngoài.
Các nhà phân tích cho rằng Masan có nguy cơ bị dàn trải ở các ngành nghề khác nhau. Lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn hiện tại bao gồm chuỗi cửa hàng trà cà phê, xếp hạng tín nhiệm, mạng di động, logistics cũng như sản xuất thịt, đồ uống và các hàng hoá tiêu dùng khác.
Xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến Masan High-Tech Materials - công ty khai thác khoáng sản. Hiện doanh nghiệp này đang phải đối mặt với chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao trong khi giá bán vonfram lại giảm.
Báo cáo tài chính quý III vừa công bố của Masan cũng cho thấy các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và bán lẻ đã bị ảnh hưởng bởi chi phí tăng và “tâm lý tiêu dùng phục hồi chậm”.
Nhận xét của ông Danny Le cũng phản ánh xu hướng trong lĩnh vực công nghệ với việc các nhà đầu tư mất dẫn kiên nhẫn với các khoản lỗ, thúc đẩy các startup như Grab hay Shopee phải dừng “đốt tiền” và tìm kiếm lợi nhuận.
Trên toàn cầu, chi phí vốn tăng lên do các chính phủ tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, tâm lý tiêu dùng đang tỏ ra yếu ớt trước tình hình việc làm, sự sụt giảm nhu cầu trong các nhà máy và bán lẻ.
Ông Theng Theng Tan, nhà kinh tế học tại Oxford Economics, dự báo lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến các quốc gia cũng không còn mặn mà với hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là Mỹ. Trong khi sự phục hồi yếu từ Trung Quốc.
"Nhìn chung, thị trường bên ngoài ảm đạm có thể sẽ trở thành một trở ngại mới đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam", ông Tan viết trong một báo cáo nghiên cứu mới đây.
Đồng ý với quan điểm này, ông Danny Le nói: “Chúng ta đang trải qua một chu kỳ khá khó khăn”.