Tăng thâm nhập thị trường Đông Nam Bộ sau thương vụ M&A
Đạm Cà Mau đã công bố thương vụ mua lại 100% cổ phần Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt (KVF) từ một tổ chức Hàn Quốc, dự kiến hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trong 2023. Sẽ có một công ty TNHH MTV được thành lập để vận hành nhà máy này. Đạm Cà Mau dự kiến tiếp nhận toàn bộ hiện trạng nhân sự và chỉ bổ sung nhân sự chủ chốt.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc của Đạm Cà Mau tiết lộ giá trị thương vụ tối đa khoảng 25 triệu USD. Công ty này tọa lạc tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) với diện tích khoảng 8,8 ha. Theo vị tổng giám đốc đánh giá, đây là mức giá tốt khi giá mua mặt bằng trên thị trường đã khoảng 17 triệu USD. Công suất của KVF là 360.000 tấn NPK/năm.
Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tăng sản lượng bán hàng của KVF lên 150.000 tấn và giúp công ty hết lỗ vào cuối 2024, có lãi từ 2025. Phía lãnh đạo đánh giá điều này không hề khó, khi chủ động được cả đầu ra và đầu vào của KVF.
Thương vụ M&A nhằm thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung (trong khi nhà máy NPK hiện tại chủ yếu phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam Bộ và Campuchia). Bên cạnh đó, khu vực nhà máy còn được sử dụng làm kho chứa nguyên liệu, có thể giúp chủ động được nguồn nguyên liệu khá cạnh tranh để cung cấp cho nhà máy.
“90% giá phân bón do nguyên vật liệu đầu vào quyết định. Do đó, đơn vị nào chủ động được nguồn nguyên vật liệu đầu vào giá tốt sẽ có lợi thế.”, ông Văn Tiến Thanh nhận định.
Đạm Cà Mau cũng sẽ đầu tư hệ thống kho bãi tại các thị trường mục tiêu như TP HCM và lân cận, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Quy Nhơn, Tây Nguyên... Với những kết quả nhất định ban đầu, công ty sẽ tiếp tục triển khai hoạt động tự doanh.
Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp tại Long An, diện tích 22,67 ha. Trung tâm đang được triển khai các công tác chuyển nhượng, quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất , trang thiết bị...
Công ty định hướng tập trung vào phát triển lĩnh vực phân bón mới có chất lượng cao phù hợp với xu hướng công nghệ mới, thân thiện môi trường. Đồng thời với đó là cung cấp bộ giải pháp canh tác cây trong theo hướng chuỗi giá trị nông nghiệp để tạo thêm các giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ước lãi trước thuế quý IV từ 315 tỷ đồng trở lên
Về tình hình kinh doanh, Đạm Cà Mau ghi nhận gặp một số khó khăn nhất định trong năm nay, khi giá khí tăng 13% so với kế hoạch, giá các nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng, trong khi giá phân bón bán ra thấp hơn 16% so với kế hoạch và giảm 38% so với năm 2022. Giá phân bón thấp do nhu cầu trong nước giảm, trong khi urê nhập khẩu từ các nước như Brunei, Indonesia... tăng mạnh và cạnh tranh với Đạm Cà Mau.
Một điểm tích cực là công ty đã tranh thủ được lúc lãi suất tiền gửi còn cao vào những tháng đầu năm để đem về khoản thu tài chính nhất định.
Kết quả 10 tháng đầu 2023, công ty báo doanh thu 10.118 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 804 tỷ đồng, đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (doanh thu 13.080 tỷ đồng và LNTT 3.892 tỷ đồng).
Cả năm, công ty dự kiến có doanh thu 13.504 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.029 tỷ đồng, giảm lần lượt 18% và 78% so với nền cao của 2022. Như vậy, ước tính quý IV công ty có doanh thu 4.067 tỷ đồng và lãi trước thuế 315 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Văn Tiến Thanh chia sẻ con số lãi thực tế đạt được vào cuối năm hoàn toàn có thể cao hơn, có thể khoảng 1.100 - 1.200 tỷ đồng.
Triển vọng sáng cửa hơn trong 2024 nhờ dự báo giá phân bón cải thiện
Qua 2024, công ty đánh giá tổng quan vẫn có những khó khăn khi bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ rệt, những yếu tố bất định trên thế giới vẫn còn. Tuy vậy, lĩnh vực sản xuất – xuất khẩu nông sản, lương thực vẫn được dự báo tương đối khả quan do nhu cầu tiêu thụ.
Thực tế trong 2023, hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang tiến triển tốt, ví dụ như rau củ quả, với điển hình là sản phẩm sầu riêng tăng trưởng cao... là tín hiệu tốt giúp nông dân có động lực canh tác, qua đó sử dụng sản phẩm phân bón.
Doanh thu của Đạm Cà Mau gắn liền với giá phân bón. Trong 2023, giá ure xuống thấp và hiện đang đi ngang khoảng 325 - 425 USD/tấn. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh, diễn biến này sẽ sớm thay đổi theo hướng tích cực. Nguyên do là hai ông lớn Nga và Trung Quốc đang có chính sách hạn chế xuất khẩu.
Ông tiết lộ thêm rằng Chính phủ Nga vừa có quyết định kéo dài hạn chế xuất khẩu phân bón thêm 6 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 5/2024, với tổng hạn ngạch 16,95 triệu tấn, bao gồm 9,81 triệu tấn phân bón có gốc Ni-tơ và 7,14 triệu tấn phân bón phức hợp.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn đến từ sự cạnh tranh từ các nguồn nhập khẩu như Indonesia. Thực tế trong những tháng gần đây, công ty đã phải điều chỉnh, tách giá bán tại Campuchia (khác với giá bán chung) để có thể cạnh tranh giá, giữ thị phần tại thị trường chủ lực này.
Công ty dự kiến trình Tập đoàn PVN thông qua chỉ tiêu năm 2024 với doanh thu 11.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 761 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 26% so với ước tính năm 2023. Phía công ty cũng nhìn nhận thường đặt kế hoạch trọng hơn so với khả năng thực hiện, nguyên do từ việc doanh nghiệp mang tính chất Nhà nước.
Đại diện công ty cho biết kế hoạch trên (lãi trước thuế 761 tỷ đồng) chưa bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và khoản thu từ nguồn khác (nếu có).
Định hướng đến 2025, công ty thực hiện đa dạng hóa các nhóm sản phẩm urê, phân bón NPK, tự doanh và phát triển các dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ bảo dưỡng... Tổng doanh thu mục tiêu 15.000 tỷ đồng, tỷ lệ ROE giai đoạn 2021 – 2025 đạt 12%.
Kỳ vọng độ nhận diện thương hiện sẽ đạt 65% tại thị trường Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Camphuchia; thị phần phân bón Cà Mau đạt 15%. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ khí đạt 5% vào 2025, mở rộng công suất xưởng lên 115% công suất thiết kế, tìm nguồn nguyên liệu khí thay thế nguồn hiện hữu.
Mặt khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phê duyệt đề án cơ cấu lại công ty Đạm Cà Mau đến 2025, trong đó PVN duy trì nắm giữ 75,56% vốn tại đơn vị này.
Về các dự án, công ty định hướng dự án CO2 thực phẩm sau khi hoàn hoàn thành và đưa vào hoạt động, giai đoạn đầu sẽ bố trí như một cụm công nghệ, trực thuộc xưởng phụ trợ. Khi đủ điều kiện dự án sẽ tách ra thành một phân xưởng sản xuất trên cơ sở kết hợp với dự án sản xuất khí công nghiệp Argon/Nitrgen/Oxygen.