Thời trang và nội thất, bền vững có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người nhưng đây lại là xu hướng mới cực kì hot của thế giới hiện nay. Độ phủ sóng của thời trang bền vững, nội thất bền vững ngày càng dày đặc, xu hướng này được chào đón nồng nhiệt từ trên khắp thế giới nhờ vào tính ứng dụng cao và sự thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, muốn hướng đến sự phát triển này, ngành thời trang và nội thất phải trang bị được nguồn nguyên phụ liệu mạnh. Trong những năm qua, các nhà thiết kế cũng như các xí nghiệp may mặc và nội thất Việt Nam nhiều năm qua đã và đang gặp khó khăn về nguyên phụ liệu. Trong trào lưu phát triển bền vững hiện nay, nguyên liệu tự nhiên càng trở thành vấn đề cấp thiết, nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam, quốc gia giàu truyền thống về hàng thủ công và tự nhiên.
Thấu hiểu điều này, trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam xuân hè 2022, tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam tổ chức hội thảo "Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất" vào ngày 25/5, qua đó, kết nối các nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong và ngoài nước với các nhà thiết kế, sản xuất thời trang, nội thất trong nước cho ra những sản phẩm "xanh", thân thiện với môi trường.
Các diễn giả và khách mời tham dự hội thảo "Chất liệu tự nhiên cho thời trang và nội thất"
Bà Trang Lê, Chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (AVIFW) cho biết sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì tất cả những người làm thời trang đều phải có cái nhìn khác về thời trang sau đại dịch. Chính vì thế, AVIFW đưa ra thông điệp ReFashion gửi gắm nhiều ý nghĩa, trong đó bao hàm sự thay đổi về cách nghĩ (ReThinking), thay đổi cách làm (ReInventing), thay đổi cách vận hành (ReGenerating) để tạo ra một cuộc cách mạng mới (Revolution) nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong thời trang (Sustainable Fashion).
Bà Trang Lê, Chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (AVIFW)
Tại đây, bà Trần Hoàng Phú Xuân - Founder và Giám đốc nhà máy dệt vải Faslink khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ về các nguyên liệu định hướng thời trang 2022: Vải sợi cà phê, vải sợi sen, vải sợi hàu. Những chất liệu này với tính năng vượt trội so với vải thông thường như thoáng mát, chống nắng, nhanh khô, vẫn giữ nguyên sợi vải sau nhiều lần giặt, tiết kiệm nước khi sản xuất vải…, thường được dùng để may đồ thể thao và đồ lót.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ về các đặc tính vượt trội của dòng vải bền vững
Đặc biệt, bà Xuân tiết lộ: "Cần 5 chai nhựa và 3 tách cà phê để làm ra một chiếc áo thun polo. Bạn có thể mặc áo hoặc mang vớ 2 - 3 ngày không tắm để tự mình kiểm tra đặc tính khử mùi cơ thể của áo làm từ vải cà phê". Bà phân tích, trong bã cà phê có nguồn xenlulose (cellulose) dồi dào. Cụ thể, trong mỗi tách cà phê có đến 99,8% là bã cà phê sẽ trở thành rác. Nguồn rác này tạo ra khí metan - là tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Bằng công nghệ polyme hóa, bã cà phê được kết hợp cùng chai nhựa cũ làm ra vải sợi cà phê. Công nghệ polyme hóa giúp vải cà phê giữ lại được hầu hết các tính năng của cà phê - đặc tính co giãn tự nhiên giúp thoải mái vận động, hút ẩm tốt, mỏng nhẹ nhanh khô, chống nắng, chỉ số làm mát cao và đặc biệt là tính năng khử mùi cơ thể đặc biệt hiệu quả. Các tính năng này được bảo toàn trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm.
Còn vải sợi hàu được kết hợp từ chai PET tái chế và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ Nano hóa để tạo nên hạt nhựa hàu đặc biệt, có nhiều tính năng khác biệt như chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô. Vải vỏ hàu góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tái sử dụng nhiều lần.
Vải sợi sen ra đời cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Vải này sử dụng công nghệ kháng bên ngoài bề mặt vải, giúp vải có khả năng tự làm sạch bề mặt và chống bám bẩn hiệu quả. Vải sợi sen còn có đặc tính mềm mại, co dãn.
Bằng việc tạo ra một vòng đời mới từ những nguyên phụ liệu có nguồn gốc thiên nhiên, các nhà mốt đã nâng cao tính bền vững trong thời trang - cân bằng yếu tố bảo vệ môi trường, con người và những giá trị nhất định cho cộng đồng. Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu đi theo xu hướng thời trang bền vững, cái giá phải trả không hề nhỏ, bao gồm những chi phí bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tối đa lượng hóa chất độc hại sẽ thải ra trong quá trình sản xuất, hay đầu tư vào phát triển những kỹ thuật sản xuất hiện đại nhằm tránh lãng phí tài nguyên tự nhiên...
Nghệ nhân Lò Thị Viên người dân tộc Lào ở Điện Biên được mời trình diễn cách dệt vải thổ cẩm ngay tại sự kiện.
Dẫu vậy, sau đại dịch, các thương hiệu không chỉ chú trọng đến mẫu mã, xu hướng mà còn phải thực sự quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm. Từ đó, thời trang, nội thất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải có những cách vận hành mới để hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài.