Gary Dahl được mệnh danh là "thiên tài marketing" bởi ông biến một hòn đá vô tri vô giác trở thành siêu phẩm cực kỳ nổi tiếng, thu hút cả triệu người tiêu dùng và đưa mình vào danh sách triệu phú. Chỉ sau 6 tháng kinh doanh, ý tưởng này đã đem về cho ông 6 triệu USD.
Vốn là những hòn đá có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, điều gì đã khiến khách hàng “phát điên” vì nó?
Gary Dahl đã “hóa phép” một cách tài tình để biến những hòn đá vô tri vô giác trở thành “thú cưng” với cái tên Pet Rock. Mỗi một “thú cưng làm bằng đá” được ông bán cùng cuốn sổ hướng dẫn chăm sóc dài 32 trang. Thương hiệu này nhanh chóng trở thành xu hướng gây sốt vào năm 1975.
Ra đời từ một trò đùa trên bàn nhậu
Chuyện về "Pet Rock" bắt đầu từ một quán bar ở Los Gatos, Bắc California, Mỹ. Đó là vào mùa hè năm 1975, khi mà Gary Dahl vẫn đang là một nhân viên viết quảng cáo thuê nghèo nàn. Ông ở trong một căn hộ tồi tàn, chật vật kiếm tiền nuôi thân và thỉnh thoảng dành thời gian đến quán bar uống rượu với bạn bè.
Trong một cuộc nhậu, cả nhóm đang bàn tán sôi nổi về chủ đề thú cưng. Rất nhiều người phàn nàn rằng, tuy thú cưng đem lại niềm vui nhưng các công đoạn chăm sóc, làm vệ sinh, cho ăn... lại khá mệt mỏi và tốn thời gian.
Nghe vậy, Gary Dahl đã lập tức đùa rằng: “Con thú cưng của tôi lại rất hoàn hảo, không cần mất nhiều thời gian chăm sóc hay quan tâm, mà lại không gây phiền táo một tí nào cả.”
Trong khi mọi người không tin, ông nói tiếp: “Vì đó là một con thú bằng đá!”
Cả nhóm cười phá lên với ý tưởng mới lạ.
Pet Rock là loại thú cưng mà người chủ không bao giờ phải cho ăn, tắm rửa và dọn dẹp.
Khi đó Gary Dahl đang nửa tỉnh nửa say nên không nghĩ gì nhiều. Nhưng đến khi về nhà, ông bắt đầu nhớ lại ý tưởng này và cảm thấy nó hoàn toàn khả thi.
Để có tiền “khởi nghiệp”, ông đã phải nói chuyện và thuyết phục 2 đồng nghiệp cùng hùn tiền. Ông hứa hẹn về một tương lai vô cùng thành công, khi mà hàng triệu người sẽ “phát cuồng” vì vật nuôi hoàn hảo này. Lúc đó, không ai nghĩ rằng, những gì ông nói sẽ trở thành hiện thực.
Gary Dahl ghé vào một cửa hàng bán vật liệu xây dựng và chỉ mất vài xu để mua rất nhiều hòn đá lấy từ các bãi biển ở Mexico, với bề mặt nhẵn nhụi. Trung bình cứ khoảng 100 viên thì ông mới tốn 1 USD.
Sau đó, ông tạo ra những chiếc hộp carton khớp với kích thước các hòn đá của mình. Hình dáng của hộp cũng khá tương đồng với kiểu mà các cửa hàng thú cưng hay sử dụng vào thời điểm đó. Bên trong hộp, ông đặt một ổ rơm và cũng đục một chiếc lỗ để đá có thể… “thở”.
Điểm tài tình của Gary Dahl chính là cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc dài 32 trang do chính ông đặt ra. Nội dung trong đó bao gồm chi tiết các cách để người chủ có thể chăm sóc "thú cưng" của họ và những "trò" mà hòn đá có thể thực hiện.
Cứ như vậy, các hòn đá đã sẵn sàng để ra mắt thị trường với cái tên Pet Rock. Đây cũng trở thành thương hiệu tạo ra một cơn sốt “để đời” trong năm 1975.
Cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc một hòn đá.
Thành công ngoài mong đợi dù không cần chi tiền quảng cáo
Thay vì chỉ im hơi lặng tiếng cho ra mắt sản phẩm ở San Francisco Gift Show, Gary Dahl còn khôn ngoan gửi thông cáo báo chí đến rất nhiều cơ quan truyền thông khác nhau.
Một hòn đá được nuôi nấng như thú cưng - ý tưởng kỳ lạ này nhanh chóng được mọi người chú ý. Cánh truyền thông cũng đưa tin về nó khiến cho Pet Rock trở thành xu hướng được người người biết tới. Đây là một kỳ tích khó đạt được hơn nhiều trước khi mạng xã hội và Internet ra đời.
Sau đó, tạp chí Newsweek cũng giới thiệu về sản phẩm này, giúp tiếng vang ngày càng lan xa. Khi mà mọi người biết tới và bàn tán về nó quá nhiều, Gary Dahl thậm chí còn được mời tham gia chương trình Johnny Carson để nói về "phát minh" có một không hai của mình.
Khi chia sẻ cảm nghĩ về thành công nổi trội này, Gary Dahl đã cho rằng: "Người dân khi ấy quá mệt mỏi, buồn chán với thực tế xung quanh mình. Vì thế, họ chỉ thích phiêu lưu trong trí tưởng tượng. Cũng có thể nói rằng, khi ấy khiếu hài hước của chúng tôi cao hơn bây giờ".
Tận dụng chính tâm lý này của mọi người, Gary Dahl đã biến “thú cưng bằng đá” trở thành đề tài viral. Sau đó, tiếp tục tận dụng sức mạnh của truyền thông như một cách “PR miễn phí”, giúp Pet Rock ngày càng nổi tiếng hơn. Kết quả nhận về vô cùng khả quan trong khi ông không phải tốn quá nhiều tiền quảng cáo.
Khi mùa lễ đến gần, ông đẩy mạnh tuyên truyền sản phẩm của mình và đã bán được khoảng 10.000 hòn đá mỗi ngày. Chỉ trong 6 tháng, gần 1,6 triệu sản phẩm đã được bán ra và ông thu về khoảng 6 triệu USD. Đây là một con số lớn vào những năm 1970.
Tạp chí Time thậm chí đã gọi hiện tượng này là "1% từ sản phẩm và 99% từ thiên tài marketing". Cánh truyền thông dành nhiều lời khen ngợi cho cuốn sổ tay đi kèm với Pet Rock do chính Gary viết ra. Họ cho rằng, nội dung hài hước, dí dỏm và những cách chơi chữ hay ho là nhân tố gây ấn tượng với khách hàng. Khi mua “thú cưng” này về, mọi người có được những giây phút sảng khoái.
Điều kỳ diệu chỉ kéo dài 6 tháng
Đương nhiên, yếu tố độc - lạ sẽ dần đánh mất sức mạnh khi mà mọi người đã quá quen thuộc với nó. Sau 6 tháng thành công rực rỡ, doanh thu của Pet Rock bắt đầu tụt dốc không phanh. Dù Gary cũng cố gắng tận dụng sự thành công đó để tạo ra các sản phẩm ăn theo như áo phông hay dầu gội đầu "Pet Rock" nhưng mọi thứ đều không thành công.
Sự đơn giản của Pet Rock đã làm nên tên tuổi thương hiệu, nhưng cũng trở thành nhân tố khiến nó “ra đi” nhanh không kém vì không thể bảo vệ vị trí độc tôn. Ý tưởng đơn giản giúp Dahl tạo ra Pet Rock có thể bị người khác bắt chước một cách dễ dàng, rồi tạo ra vô số phiên bản khác để cạnh tranh.
Tiếp đó, Gary cố gắng tạo ra một số sản phẩm khác nhưng không ăn thua và cuối cùng đành quay trở lại nghề quảng cáo. Năm 2001, ông cho ra mắt cuốn sách "Advertising for Dummies".
Gary qua đời năm 2014 nhưng sản phẩm của ông vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Rosebud Entertainment đã mua bản quyền thương hiệu đối với "Pet Rock" và chúng vẫn có thể được mua với giá 19,95 USD trên Amazon.
Tuy thành công ngắn ngủi nhưng quả thật, số tiền thu được từ "Pet Rock" đã giúp Gary đổi đời. Ông có thể mua cho mình 1 chiếc Mercedes và chuyển tới một bất động sản lớn hơn, có cả bể bơi bên ngoài.
*Theo nytimes, Times, Mentalfloss