DH Foods và GC Food đang là những ngọn đầu trong việc xuất khẩu các loại gia vị - thực phẩm được làm từ nông sản Việt ra khắp thế giới.
Theo chia sẻ từ DH Foods, thì họ thành công đi châu Âu vào năm 2017, đi Nhật Bản vào 2018 và đặt dấu chân đến nhiều thị trường mới vào 2019. Trong năm 2019 – 2020 và 2021, DH Foods lần lượt có mặt tại 6 đất nước mới: Đức, Hàn, Anh, Mỹ, Úc, Nga. Ngoài ra, Dh Foods vẫn tiếp tục tham gia các triển lãm quốc tế, nổi bật có Triển lãm THAIFEX tổ chức tại Thái Lan.
Gần đây, ông Nguyễn Văn Thứ - CEO GC Food tiết lộ với truyền thông: ông vừa có chuyến công tác tại tỉnh Đắc Lắc để chuẩn bị xây dựng nhà máy cấp đông củ quả có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2022.
"Đắc Lắc có vùng nguyên liệu rất tốt để nuôi trồng các loại trái cây như bơ, xoài, sầu riêng, khoai lang… Còn người tiêu dùng thế giới có nhu cầu cao về những sản phẩm này. Ở nước ngoài, người ta đông lạnh các loại củ quả này rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Văn Thứ giải thích sự ra đời của dự án mới.
Từ đầu năm đến nay, dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của GC Food vẫn tăng trưởng cả về sản lượng lẫn giá trị với 2 sản phẩm chủ lực là: thạch dừa và nha đam.
"Doanh thu tính đến tháng 11 của công ty đã đạt 200 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm ngoái. Từ đầu năm 2020, dự báo thị trường tốt nên chúng tôi đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu nha đam trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP và nâng cấp nhà máy để tăng sản lượng.
Nhu cầu thị cao từ trường nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc… cộng với ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã giúp doanh nghiệp đạt kết quả trên", CEO GC Food cho biết thêm.
Các sản phẩm từ nha đam là thế mạnh của GC Food.
Trong Talkshow "Đưa nông sản – thực phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế" mới diễn ra gần đây, 2 anh đã chia sẻ rất nhiều tâm đắt của mình trong quá trình mang gia vị - thực phẩm Việt ‘vượt biển lớn’.
"Đất nước ta trải dài trên nhiều vĩ tuyến với địa hình phong phú, nên sở hữu nhiều loại nông sản thực phẩm tiêu biểu của vùng nhiệt đới khí hậu. Sự đa dạng về gia vị cũng như thực phẩm tạo nên cơ hội cả việc buôn bán cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, có những đặc sản vùng miền chưa được phổ biến rộng rãi, tạo điều kiện cho việc sản xuất và xuất khẩu.
Những sản phẩm phở, mì, miến của Việt Nam đang rất được yêu thích trên thị trường thế giới. Một phần của sự thành công đó là nhờ sự phong phú của gia vị, sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt và rau. Người ta thường nghĩ rằng: gia vị Việt sẽ rất khó bán ở những nước có khẩu vị đặc trung như châu Âu, tuy nhiên DH Foods vẫn khai phá được thị trường Hà Lan bằng sản phẩm muối tôm", CEO Nguyễn Trung Dũng của DH Foods khẳng định.
Tuy nhiên, ngoài minh bạch về chất lượng sản phẩm và tìm kênh phân phối phù hợp, thì muốn xuất khẩu bền vừng, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số.
Theo anh Nguyễn Trung Dũng: Đầu tiên, các lãnh đạo phải tìm hiểu rõ về chuyển đổi số rồi mới truyền thông điệp đến những nhân viên trong công ty. Gợi mở những thông tin cần thiết đối với nhân viên.
Bên cạnh đó, cả lãnh đạo cấp cao và cấp trung phải có tinh thần không ngừng tìm hiểu thông tin, liên tục học hỏi từ những doanh nghiệp đi trước để ‘học cái hay và tránh cái dở’. Người lãnh đạo phải đi trước, phải hiểu rõ vấn đề doanh nghiệp mình cần chuyển đổi số, thì mới có thể thuyết phục được nhân viên tin vào những lợi ích thiết thực của chuyển đổi số.
Sản phẩm của DH Foods trên quầy kệ ở Nhật Bản.
"Thực hiện chuyển đổi số là lấy con người làm trung tâm, chuyển đổi con người trước khi chuyển đổi công nghệ", doanh nhân U60 này khẳng định.
Về chất lượng sản phẩm, theo anh Nguyễn Văn Thứ thì ngay từ đầu, chúng ta phải đầu tư một cách chỉn chu và minh bạch, liên tục cải tiến sản phẩm. Đầu tư cho sản phẩm phải đi kèm với đầu tư cho cả chất lượng dịch vụ - đảm bảo uy tín với khách hàng, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những sản phẩm gặp những sự cố.
Đồng thời, doanh nghiệp phải tập trung vào việc đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chủ động nguồn hàng, chú trọng vào chất lượng bên trong hơn là những giá trị bên ngoài.
"Trước đây người tiêu dùng mua hàng tính trên kg, nhưng hiện nay họ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng muốn biết sự ‘sạch, an toàn’ của thực phẩm bắt đầu từ khi gieo trồng tới khi đến tay người tiêu dùng.
Thông qua công nghệ, việc tìm hiểu về nguồn gốc hàng hoá càng trở nên đơn giản. Người tiêu dùng ngày càng thông minh và lựa chọn những thực phẩm sạch, an toàn hơn", CEO GC Food nói về xu hướng tiêu dùng của khách hàng thế giới.
Người tiêu dùng hiện nay đang tiêu dùng trên nền tảng online. Đó là một cơ hội cho các doanh nghiệp! Chuyển đổi số cũng đã là con đường tất yếu hiện nay mà doanh nghiệp bắt buộc phải đi, đặc biệt trong ngành gia vị, thực phẩm, nông sản.
Ngày nay cách phân phối, tiêu thụ nông sản, gia vị đã thay đổi rất nhiều, những người trẻ năng động hơn bằng việc ứng dụng online để bán hàng - đặc biệt là sau thời gian đợt dịch lần thứ 4.
"Công nghệ cũng được áp dụng vào quy trình sản xuất, quản lý nhân lực và máy móc. Nếu như bỏ qua số hóa và chuyển đổi số, đó chính là một dự báo cho một tương lai không tốt đẹp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt phải khắc phục các điểm yếu công nghệ nếu không muốn trở nên lạc hậu trong cuộc chiến này", anh Nguyễn Văn Thứ hoàn toàn đồng tình với quan điểm của đồng sự ở DH Foods.