Quản trị

CEO Bamboo Airways kể chuyện mất 3 triệu USD/ngày, ẩn số Samsung và cuộc vượt bão nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Quyết!

Phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh "Con đường phía trước" do Forbes Việt Nam tổ chức có 2 vị CEO đến từ du lịch và hàng không – hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong Covid-19.

Nếu như Vietravel mỗi ngày mất 1,5 triệu USD, thì Bamboo Airways doanh thu cao điểm trước đó cũng ở mức 2,5 – 3 triệu USD/ngày, nhưng lập tức về 0.

"Trong khi đó, chi phí thuê mua tàu bay… vẫn rất khủng khiếp. Với Bamboo Airways, chúng tôi thậm chí còn ảnh hưởng hơn, vì mới cất cánh được 3 năm thì 2 năm đối diện với Covid", CEO Bamboo Airways Đặng Tất Thắng trải lòng.

"Kết thúc năm đầu tiên, 2019, chúng tôi cũng có được dấu ấn tăng đội tàu bay lên 20 tàu bay, chiếm được hơn 13% thị phần của hàng không Việt Nam, thì ngay lập tức Covid ập tới".


Cách Bamboo Airways vượt bão: Nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết!


CEO Bamboo Airways kể chuyện mất 3 triệu USD/ngày, ẩn số Samsung và cuộc vượt bão nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Quyết! - Ảnh 1.

"Có một điều giúp Bamboo Airways vượt qua khủng hoảng là tầm nhìn của ban lãnh đạo cũng như Chủ tịch tập đoàn chúng tôi, nhìn được trước diễn biến của dịch", ông Thắng nhớ lại.

"Ngay đầu năm 2020, khi mới dấu hiệu Covid, chúng tôi đã nhận định ngay lúc đó là với tình hình như vậy, thị trường quốc tế chắc chắn sớm bị đóng cửa. Bamboo Airways ngay lập tức tạm dừng tất cả kế hoạch bay quốc tế để tập trung vào nội địa. Chúng tôi là hãng hàng không đầu tiên đóng tất cả đường bay quốc tế trước khi Chính phủ ra quyết định".

Với việc tập trung toàn bộ nguồn lực vào nội địa, năm 2020, ông Thắng cho biết Bamboo Airways là hãng hàng không hiếm hoi trên thế giới ghi nhận tăng trưởng về đội tàu bay từ 20 lên 30, tăng trưởng về thị phần từ 13% lên xấp xỉ 20%.

CEO Bamboo Airways kể chuyện mất 3 triệu USD/ngày, ẩn số Samsung và cuộc vượt bão nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Quyết! - Ảnh 2.

Hiện Bamboo Airways cũng là một số ít hãng hàng không bay đến toàn bộ sân bay của Việt Nam.

"Mới đây nhất, chúng tôi vừa khai trương đường bay TPHCM thẳng đến Điện Biên. Trước đây để bay từ TPHCM đến Điện Biên, mọi người phải bay ra Hà Nội, rồi đi đường bộ 12 tiếng mới đến nơi. Giờ chỉ mất hơn 2 tiếng", ông Thắng tự hào.

Những đường bay thẳng nội địa đầu tiên được hãng khai thác còn có Hà Nội – Côn Đảo (thay vì transit tại Sài Gòn) hay Hà Nội – Cà Mau.

"Chiến lược phủ toàn bộ đường bay nội địa năm 2020 giảm thiệt hại rất lớn cho Bamboo Airways trong tổng mạng lưới đường bay so với đường bay quốc tế. Đồ thị hàng không giống như chữ V, sau giãn cách, nhu cầu đi trở lại tăng rất mạnh. Chúng tôi vạch chiến lược cho mọi thứ", ông Thắng nói.

Trong nguy lại thấy cơ. Trong thời gian tập trung nội địa, Bamboo Airways lại chuẩn bị các kế hoạch khác cho đường bay quốc tế. Cuối 2021, Bamboo Airways đã chính thức bay thẳng Việt – Mỹ và mới đây là bay thẳng Việt Nam – Vương Quốc Anh (UK), tới đây hãng hàng không này sẽ khai trương tiếp đường bay Việt – Đức.


Ẩn số Samsung


CEO Bamboo Airways kể chuyện mất 3 triệu USD/ngày, ẩn số Samsung và cuộc vượt bão nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Quyết! - Ảnh 3.

Ít ai biết, chặng đường vượt Covid của Bamboo Airways còn nhờ một "đại gia" FDI – Samsung.

Giữa tháng 10/2020, một chuyến bay chở hàng trên khoang khách của Bamboo Airways khởi hành từ Hà Nội đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc), chở theo 35 tấn hàng hóa bao gồm đồ điện tử giá trị cao như điện thoại, laptop, thiết bị linh kiện điện tử,… trên tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Đây là chuyến bay mở đầu cho hoạt động bay chở hàng định kỳ trên tuyến bay thẳng Hà Nội – Incheon của Bamboo Airways cho Samsung.

Việc hợp tác chiến lược với ông lớn Hàn Quốc giúp Bamboo Airways chiếm slot chở hàng cho Samsung mỗi ngày một chuyến từ Việt Nam sang Hàn Quốc và chở linh kiện từ Hàn Quốc về Việt Nam.

CEO Bamboo Airways kể chuyện mất 3 triệu USD/ngày, ẩn số Samsung và cuộc vượt bão nhờ tầm nhìn của Chủ tịch Quyết! - Ảnh 4.

Chuyến bay chở hàng đầu tiên trên khoang khách của Bamboo Airways tại sân bay Incheon. Ảnh: Bamboo Airways.

Việc chuyển các máy bay từ chở khách sang chở hàng, mà đối tác lớn nhất là Samsung, đã giúp tăng nguồn thu cho Bamboo Airways, đảm bảo nguồn thu chi trả cho người lao động, ông Thắng kể.

"Với vai trò CEO một hãng hàng không, qua đợt dịch này chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn những người lao động, những người gắn bó với hãng. Khi bắt đầu có dịch, chúng tôi kêu gọi mọi người cống hiến cho hãng, thì toàn bộ đội ngũ phi công của Bamboo Airways chấp nhận bay không lương trong 3 tháng".

"Thời điểm dịch đến, chúng ta có chút hoảng loạn, nhưng trong hoảng loạn ấy đôi khi nhận được thông điệp từ đồng nghiệp, từ những người bạn, ủng hộ kêu gọi đoàn kết, cùng nhau vượt qua đại dịch. Thực tế, những giải pháp đưa ra trong dịch, cộng thêm sự đoàn kết, gắn bó với hãng hàng không cũng tạo động lực để chúng tôi vượt qua đại dịch này", ông Thắng kể.

Một tín hiệu vui cho hai ngành hàng không và du lịch: Bộ Giao thông và Vận tải vừa trình Chính phủ đề xuất cho người Việt Nam cũng như khách quốc tế nếu tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính với Covid-19 thì không cần cách ly tập trung.

"Đây là cánh cửa mở ra cho việc khai trương trở lại đường bay quốc tế. Hy vọng chúng tôi sẽ đón đầu được việc mở cửa trở lại đường bay quốc tế. Cộng với việc phủ kín đường bay nội địa, đây là tiền đề hãng có thể quay trở lại mạnh mẽ sau Covid", ông Thắng nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm