Mới đây, tập đoàn điện tử Nhật Bản Panasonic đã gây xôn xao khi thừa nhận rằng một nhân viên của họ đã qua đời vì làm việc quá sức vào năm 2019. Đây là lần hiếm hoi Panasonic nhận trách nhiệm và xin lỗi vì để nhân viên quá tải với công việc dẫn đến tự tử.
Cựu nhân viên 43 tuổi làm việc tại Panasonic từ năm 2003 với tư cách là công nhân nhà máy. Tháng 4/2019, anh được thăng chức làm phó phòng kỹ thuật và bắt đầu những ngày tháng làm việc khắc nghiệt.
Theo Tadashi Matsumaru – luật sư của người đàn ông này, anh thường xuyên phải làm việc hơn 100 giờ/tuần, trong khi đó, mức trung bình chỉ là 40 giờ/tuần. Anh đi ngủ lúc 4-5 giờ sáng và đi làm trước 8 giờ.
Sau một thời gian, người đàn ông dần rơi vào trầm cảm vì làm việc quá sức. Đến tháng 10/2019, anh tự sát và để lại bức thư cho gia đình. Trong thư, anh viết: "Bố mệt mỏi lắm rồi. Có quá nhiều việc phải làm. Bố không thể tha thứ cho Panasonic. Hãy kể câu chuyện này với giới truyền thông".
Về phần mình, ngày 6/12 vừa qua – tức hơn 2 năm sau cái chết của nhân viên, Panasonic mới đưa ra thông báo: "Năm 2019, một sự cố đã xảy ra tại Panasonic. Nhân viên này đã làm việc quá sức và thêm nhiều giờ nhưng tập đoàn lại bỏ bê nhiệm vụ chăm sóc cho sức khỏe và an toàn của anh ấy, dẫn tới cái chết thương tâm. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình người đã khuất".
Ngoài ra, Panasonic còn đưa ra một số hướng dẫn cần thiết để ngăn chặn trường hợp tương tự xảy ra. Theo Vice, tập đoàn đã cung cấp khoản tiền bồi thường không được tiết lộ cho gia đình nhân viên xấu số.
Việc nhận trách nhiệm của Panasonic diễn ra sau 9 tháng từ khi Văn phòng tiêu chuẩn lao động của thành phố Hiroshima phát hiện nhân viên 43 tuổi bị trầm cảm do làm việc quá sức.
Theo Matsumaru, các hướng dẫn lao động hiện tại không hiệu quả trong việc ngăn ngừa trường hợp tử vong do làm việc quá sức. "Anh ấy rời văn phòng lúc 8 giờ tối nhưng Panasonic không có chính sách tính số giờ anh ấy làm việc ở nhà là làm thêm giờ. Có bằng chứng về thời gian anh ấy đăng nhập vào máy chủ của công ty từ laptop ở nhà. Điều này cho thấy anh ấy đã làm việc hơn 100 giờ/tuần – trong khi một tuần làm việc bình thường ở Nhật Bản chỉ là 40 giờ.
Ngoài thời gian làm việc kéo dài, cựu nhân viên này còn phải vật lộn để theo kịp khối lượng công việc. Đôi khi anh ấy có tới 10 cuộc họp/ngày. Khi quyết định thăng chức, Panasonic đã yêu cầu anh ấy làm bài kiểm tra năng lực cho vị trí mới. Anh ấy không có thời gian cho công việc thực tế của mình", Matsumaru cho biết thêm.
Nhật Bản vốn nổi tiếng với văn hóa làm việc cực đoan và mệt mỏi. Được người dân xứ sở hoa anh đào gọi là "karoshi" – hiện tượng người chết do làm việc quá sức đã thu hút sự chú ý rộng rãi, đến nỗi chính phủ Nhật Bản phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Năm 2018, các nhà hoạch định chính sách đã thông qua dự luật sửa đổi luật Lao động nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ví dụ như giới hạn thời gian làm thêm là 45 giờ/tháng. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn vẫn vi phạm và tìm cách trốn tránh bằng việc báo cáo thời gian làm việc ít hơn. Do đó, các nhà hoạt động lao động và luật sư lo ngại rằng tình trạng này sẽ ít được cải thiện.
Tháng 8 vừa qua, các nhà chức trách Nhật Bản đã khảo sát 24.042 công ty và phát hiện 37% có nhân viên làm việc vượt quá quy định đã đặt ra.
Những giờ làm việc kéo dài gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, trong năm 2019, cứ 10 người tự tử thì gần một người có lý do liên quan đến công việc.
Cái chết của nhân viên 43 tuổi không phải trường hợp "karoshi" đầu tiên ở Panasonic.
Trước đó, năm 2016, một nhân viên nhà máy khoảng 40 tuổi cũng chết vì tự tử. Trường hợp này được ghi nhận là cái chết liên quan đến công việc do thời gian kéo dài. 2 năm sau, Panasonic bị truy tố vì vi phạm luật tiêu chuẩn lao động khi ép nhân viên làm thêm giờ vượt quá giới hạn.
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của tập đoàn, họ đã sửa đổi các chính sách về cân bằng giữa công việc và cuộc sống. "Từ tháng 4 năm nay, chúng tôi đã cập nhật hệ thống để số giờ nhân viên làm việc ở nhà cũng sẽ được tính", người này cho biết.
Matsumaru tin rằng trường hợp của thân chủ quá cố đã khiến Panasonic cải thiện điều kiện lao động. "Làm việc quá sức là vấn đề có mặt ở khắp mọi nơi, bất kể nhà tuyển dụng lớn hay nhỏ. Điều quan trọng là giờ làm việc phải được báo cáo đúng cách, nếu không, các công ty sẽ lách luật bằng những sơ hở", ông nói thêm.
Nguồn: Vice