Bất động sản

Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, cú hích kết nối liên vùng để bứt phá

"Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia, địa phương rất mong chờ dự án được khởi công và hoàn thành vì cự ly thời gian di chuyển sẽ rút ngắn rất nhiều, việc đi lại của du khách thuận lợi, kỳ vọng lượng khách đến với Mộc Châu sẽ nhiều hơn", ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu chia sẻ.

"Chúng tôi vận chuyển mận về Hà Nội như hiện nay mất khoảng 6 tiếng, nếu có cao tốc rút ngắn chỉ còn khoảng 2 tiếng, nên rất mong chờ dự án này khởi công và sớm hoàn thành", ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, huyện Yên Châu, Sơn La cho biết.

Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, cú hích kết nối liên vùng để bứt phá- Ảnh 1.

Phối cảnh đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe

Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu là một trong những dự án được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Sơn La kỳ vọng, mong chờ, để góp phần phát huy những lĩnh vực thế mạnh như du lịch và nông nghiệp nơi đây.

Với tinh thần giao thông đi trước mở đường, những năm qua, tỉnh miền núi Sơn La đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, Sơn La cũng như các tỉnh Tây Bắc vẫn là một trong những vùng có hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông còn nhiều khó khăn.

Việc kết nối từ thủ đô Hà Nội tới các tỉnh Tây Bắc, Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên từ trước tới nay chủ yếu qua quốc lộ 6. Trong khi đó, lưu lượng phương tiện đi lại ngày càng tăng; cung đường này có nhiều đèo dốc quanh co, nguy hiểm, hay bị sạt lở, sương mù, nguy cơ mất an toàn giao thông...

Ông Bùi Trọng Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Sơn La cho biết: Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được tỉnh xác định là dự án trọng điểm, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc.

Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, cú hích kết nối liên vùng để bứt phá- Ảnh 2.

Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 6, đoạn tuyến Mộc Châu, Vân Hồ, với nhiều đoạn đèo dốc quanh co, thường có sương mù hạn chế tầm nhìn

"Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 6 kết nối từ thủ đô Hà Nội lên tỉnh Sơn La và các tỉnh khu vực Tây Bắc; giúp giảm tải, tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông kết nối vùng, rút ngắn khoảng cách đi lại, thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, logictics, nâng cao điều kiện an toàn giao thông; tạo động lực thu hút đầu tư phát triển, kết nối vùng sang khu vực biên giới với nước bạn Lào", ông Bùi Trọng Thắng nói.

Đoạn qua tỉnh Sơn La của dự án cao tốc hoà Bình – Mộc Châu có chiều dài xây dựng khoảng 32,3 km; chiều dài giải phóng mặt bằng khoảng 34,4km. Giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 2 làn xe, phạm vi giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.938 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; thời gian thực hiện từ năm 2023 đến 2028.

Ngày 2/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-TTg phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Theo đó, phân cấp cho UBND tỉnh Sơn La được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.

Sau khi có quyết định phân cấp của Thủ tướng, HĐND tỉnh Sơn La đã phê duyệt chủ trương đầu tư; UBND tỉnh có quyết định giao chủ đầu tư các dự án thành phần cho các địa phương, đơn vị.

Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu, cú hích kết nối liên vùng để bứt phá- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Là địa phương có hơn 30 km chiều dài xây dựng và giải phóng mặt bằng trong dự án, huyện Vân Hồ, Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo của huyện và các tổ công tác, xây dựng kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của huyện.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Bí thư huyện uỷ Vân Hồ cho biết, huyện đã lập quy hoạch chi tiết 4 điểm tái định cư tại các xã và đề xuất chủ trương đầu tư dự án thành phần, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng...

"Chúng tôi cũng cho xây dựng đề cương tuyên truyền, đảm bảo giữ vững, giữ nguyên hiện trạng đất đai, không để xảy ra biến động so với thời điểm hiện tại, vận động nhân dân thực hiện chủ trương thu hồi đất, bồi thường tái định cư dự án với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ huyện đến xã, bản, tạo sự đồng thuận của nhân dân", ông Nguyễn Đức Toàn nói.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Hồ, Sơn La thông tin: Ngày 7/5, UBND huyện Vân Hồ đã ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói thầu số 2, tư vấn khảo sát và lập báo cáo tính khả thi. Đến nay địa phương đã đăng tải mời thầu và sẽ mở thầu vào ngày 27/5 tới.

"Sau khi mở thầu, ban sẽ tham mưu cho huyện triển khai các bước tiếp theo, lựa chọn đơn vị tư vấn, tiếp tục triển khai ngay và ưu tiên việc tái định cư trước, để đơn vị thi công sẽ triển khai thi công công trình. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc triển khai, đặc biệt là công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng", ông Nguyễn Văn Bắc cho biết.

Với mục tiêu từ tháng 11/2024 đến tháng 4/2025, huyện Mộc Châu sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho đơn vị thi công; UBND huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương có phạm vi đất triển khai dự án tuyên truyền các hộ dân nằm trong phạm vi dự án nắm bắt được các chủ trương, mục đích của dự án, các phần việc khi nhà nước triển khai công tác thu hồi đất.

Ông Trương Hoa Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: "UBND huyện Mộc Châu đã giao trách nhiệm cho xã Phiêng Luông thực hiện ký cam kết với 39 hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, là sử dụng đất đúng theo đúng mục đích đất, đúng hiện trạng. Thực hiện rà soát các giấy tờ đất đai của các hộ sử dụng đất để nắm bắt nguồn gốc đất đai, làm cơ sở khi triển khai giải phóng mặt bằng, để xác định nguồn gốc đất phục vụ cho việc lập phương án bồi thường. Và trên phạm vi giải phóng mặt bằng có 2 hộ có đất ở, huyện cũng đã rà soát, làm việc với các hộ gia đình; có phương án để bố trí đất ở cho các hộ khi nhà nước thu hồi đất".

Trong tương lai, dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La) dự kiến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình từ hơn 2 giờ như hiện nay còn khoảng 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, sẽ rút ngắn được gần một nửa thời gian di chuyển từ Sơn La về Hà Nội. Cao tốc này được kỳ vọng giải quyết nhu cầu vận tải, kết nối trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Tây Bắc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm