Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam diễn ra chiều 22/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, dư nợ cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh tăng trưởng rất mạnh trong các năm gần đây. Trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
"Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế", Phó Thống đốc cho biết.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng trên cơ sở quy định của NHNN đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Vốn cho tăng trưởng xanh "chờ" chính sách
Phó Thống đốc nhấn mạnh trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.
Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đánh giá, Danh mục phân loại xanh quốc gia có thể tạo ra ngôn ngữ chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp để gặp gỡ nhau trong việc tăng trưởng xanh.
Khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh hay thay đổi công nghệ thì nguồn tài chính là vấn đề rất quan trọng. Việc tiếp cận vốn cho tăng trưởng xanh hiện vẫn đang rất hạn chế, khó khăn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự nắm bắt được thông tin về tăng trưởng xanh. Theo ông Minh, khi Văn phòng Ban IV tham dự cuộc tổng kết của một hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, báo cáo của Hiệp hội có biết có 69 doanh nghiệp thuộc hiệp hội nằm trong danh sách 1.912 doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính của Bộ Công thương.
"Song phần lớn các doanh nghiệp thậm chí doanh nghiệp còn không biết mình làm trong danh sách này, chỉ duy nhất 1/69 doanh nghiệp nằm được thông tin, trong khi đến tháng 3/2025 doanh nghiệp đã phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính. Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp", ông Minh nói.
Trước đó, tại nhiều sự kiện liên quan đến phát triển xanh, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng việc chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh từ cả quốc tế và trong nước bị cản trở.
TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam mới đi được 1/4 chặng đường hoàn thiện khung chính sách cho tăng trưởng xanh, trong đó yếu nhất là ở khâu thực thi chính sách.
"Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững nhưng vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, các tiêu chí về môi trường. Đây là lý do chủ trương đã có nhưng tín dụng với các dự án xanh mới chỉ chiếm 4 - 5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường còn thấp, doanh nghiệp chưa thấy đủ sự hấp dẫn của trái phiếu xanh, tín dụng xanh để tham gia vào thị trường.