Ngày 21-5, máy bay Boeing 777 của Singapore Airlines, trên hành trình từ London đến Singapore, đã hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Suvarnabhumi của thủ đô Bangkok (Thái Lan) do nhiễu động, khiến 1 người chết và 30 người bị thương.
Sự cố trên khiến giới khoa học ngay lập tức đi tìm nguyên nhân và đưa ra các lời giải thích khác nhau về hiện tượng nhiễu động, cùng các yếu tố liên quan góp phần gây ra vụ tai nạn này.
Singapore Airlines gặp phải loại nhiễu động khó phát hiện nhất
Theo chuyên gia Larry Cornman - nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), các trường hợp tử vong do nhiễu động thường ít khi xảy ra. Tuy nhiên, sự rung lắc nghiêm trọng khi máy bay đi vào các vùng không khí này không phải hiếm.
Trong giai đoạn 2009-2023, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) ghi nhận 185 trường hợp thương tích nghiêm trọng sau khi các chuyến bay gặp phải nhiễu động không khí.
Dựa trên báo cáo sơ bộ, bà Sara Nelson - chủ tịch quốc tế của Hiệp hội Tiếp viên hàng không - CWA - cho biết chuyến bay của Singapore Airlines dường như đã gặp phải nhiễu động trời trong (clear-air turbulence).
Nhiễu động trời trong thường xảy ra ở độ cao 12.000-18.000m so với mực nước biển, trong điều kiện thời tiết quang đãng, ít mây và liên quan đến sự tiếp xúc giữa các dòng khí lưu.
Đây là một trong những loại nhiễu động nguy hiểm và rắc rối nhất, vì hệ thống radar hầu như rất khó phát hiện và phát đi các tín hiệu cảnh báo sớm.
Giám đốc điều hành Singapore Airlines Goh Choon Phong thông báo máy bay đã gặp phải tình trạng nhiễu động cực độ và bất ngờ.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết cường độ nhiễu động được phân loại theo 4 mức độ bao gồm nhẹ, trung bình, nghiêm trọng và cực độ. Trong đó, mức cực độ như trường hợp của Singapore Airlines rất hiếm khi xảy ra, theo Đài CNA.
"Kẻ phá hoại" mang tên biến đổi khí hậu
Theo báo Independent (Anh), máy bay gặp phải hiện tượng nhiễu động ít nhất 790 lần/năm, trung bình cứ 11 giờ/lần. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khí hậu cho biết tỉ lệ này đã tăng 55% vào năm 2020, so với thời điểm cách đó 41 năm tại khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Giáo sư Paul Williams - nhà nghiên cứu khí tượng học tại Đại học Reading (Anh) - nhận định lượng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển tỉ lệ thuận với tần suất và cường độ của các vụ nhiễu động không khí.
Vào thời điểm hiện tại, hàng không thế giới ghi nhận trung bình 5 trường hợp nhiễu động nghiêm trọng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, bà Sara Nelson và các nhóm nghiên cứu độc lập chỉ ra biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ nguy hiểm của nhiễu động trời trong. Cụ thể, biến đổi khí hậu tác động đến tốc độ gió ở tầng thượng quyển.
Dường như tất cả hiện tượng tự nhiên xảy ra trong những thập kỷ gần đây như lũ lụt, các đợt nắng nóng kỷ lục hay thậm chí sự nhiễu động không khí đều liên quan đến biến đổi khí hậu.
Vùng khí hậu và dòng tia là nguyên nhân?
Nói chuyện với Đài Fox News, cơ trưởng Shem Malmquist kiêm giảng viên tại Học viện Công nghệ Florida cho rằng sự cố của máy bay Singapore Airlines cũng liên quan đến vùng khí hậu và dòng tia (jet stream).
“Tôi có nhiều kinh nghiệm lái máy bay Boeing 777 qua vịnh Bengal, chính xác là khu vực xảy ra sự cố của chiếc máy bay Singapore Airlines. Khi xem xét kỹ hơn về các vụ nhiễu động không khí, chỉ có một số yếu tố có thể gây ra hiện tượng này”, ông Malmquist phân tích.
Theo ông Malmquist, dòng tia có thể là một trong những nguyên nhân cần thảo luận kỹ hơn. Dòng tia là những luồng gió chuyển động nhanh trong các tầng khí quyển bao quanh Trái đất.
Bổ sung cho ý kiến trên, tác giả Mark Prosser kết luận biến đổi khí hậu có thể làm các dòng tia mất ổn định và chệch hướng, ảnh hưởng đến an toàn hàng không.
Cảnh báo nghiêm túc từ vụ máy bay Singapore Airlines gặp nạn
Vì sao hãng bay an toàn bậc nhất thế giới Singapore Airlines lại gặp sự cố chết người?
Theo Đài NBC News, dòng tia thổi giống như một dòng sông khí từ tây sang đông, được tiếp sức bởi sự chênh lệch nhiệt độ giữa khối khí mát phía bắc và khối khí ấm phía nam.
“Máy bay thường bay theo dòng tia, thế nhưng những khu vực đó lại thường xảy ra nhiễu động”, ông Prosser giải thích.
Bên cạnh đó, cơ trưởng Malmquist cho rằng chiếc máy bay gặp sự cố của Singapore Airlines có thể đã bay qua khu vực có dông bão.
Dựa trên lập luận của vị cơ trưởng trên, vịnh Bengal là khu vực nhiệt đới ấm áp, vì vậy bão ở đây sẽ không giống với bão tại các khu vực khác trên thế giới.
“Hầu hết các khóa đào tạo phi công sẽ tập trung hướng dẫn về cách xử lý những loại bão điển hình ở khu vực Bắc Mỹ. Tuy nhiên, bão ở khu vực vùng biển ấm lại có những dấu hiệu khác.
Các chương trình huấn luyện phi công hay thậm chí các thuật toán radar có thể bỏ qua và không hiển thị đầy đủ thông tin về cơn bão (tại các khu vực nhiệt đới như Đông Nam Á), khiến nhiều phi công vô tình bay vào vùng nguy hiểm”, ông Malmquist giải thích cho quan điểm của mình.