Ngày 11-5, Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) phát cảnh báo về ảnh hưởng của bão mặt trời, kêu gọi các nhà điều hành, nhà máy phát điện và cơ quan vận hành vệ tinh ngoài không gian cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Hãng tin AP dẫn lời ông Shawn Dahl - chuyên gia dự báo thời tiết ngoài không gian của NOAA, nhận định bão mặt trời có thể gây nguy hiểm cho các đường dây truyền tải điện áp cao của lưới điện.
Ngoài ra, vệ tinh cũng có thể bị ảnh hưởng, gây ra sự gián đoạn hệ thống định vị vệ tinh và hệ thống liên lạc vô tuyến trên Trái đất. Thậm chí, ngay cả khi cơn bão đã kết thúc, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vẫn có khả năng bị xáo trộn.
Trước đó, ngày 9-5, Trung tâm Dự báo thời tiết không gian Mỹ cũng cảnh báo bão địa từ Mặt trời (bão Mặt trời) cấp G4. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, cơ quan này cảnh báo bão địa từ G4, cao thứ hai trong thang đo năm cấp độ.
Cùng diễn biến, ngày 10-5, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Nam Phi (SANSA) phát cảnh báo nguy cơ thời tiết không gian diễn biến xấu trong 3 ngày tới, khi một cơn bão Mặt trời cấp G4 sắp tác động đến Trái đất.
SANSA cho biết cơn bão trên có khả năng ảnh hưởng tới lưới điện quốc gia và gây ra các vấn đề trong việc kiểm soát điện áp trên diện rộng, theo Hãng tin News24 (Nam Phi).
Viện hàn lâm Khoa học Nga ngày 10-5 cũng thông báo Trái đất có thể đón một cơn bão địa từ Mặt trời mạnh nhất trong 20 năm qua.
Các nhà khoa học giải thích cơn bão địa từ trên đến từ ba vụ phun trào vành nhật hoa xảy ra hồi đầu tuần. Vành nhật hoa là lớp ngoài cùng của bầu khí quyển sao hay Mặt trời, bao gồm plasma.
Nói cách khác, sự phóng khối lượng vành nhật hoa có thể hiểu là các vụ nổ plasma khổng lồ giải phóng từ Mặt trời, đẩy các hạt mang điện tích, được gọi là gió Mặt trời, về phía Trái đất và các hành tinh xung quanh.
15% khả năng Trái đất đón bão Mặt trời cấp G5
Bão Mặt trời có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên quỹ đạo gần Trái đất và trên bề mặt Trái đất, làm gián đoạn thông tin liên lạc, lưới điện, điều hướng, hoạt động vô tuyến và vệ tinh.
Thời điểm gần nhất Trái đất chịu ảnh hưởng bởi cơn bão địa từ G5 - cấp cao nhất trong hệ thống thang đo 5 cấp độ - là năm 2003.
Nếu cơn bão năm nay thật sự đạt cấp G5 thì đây sẽ là lần đầu tiên Trái đất hứng chịu bão địa từ ở cấp cao nhất kể từ năm 2003. Tuy nhiên, xác suất xảy ra chỉ khoảng 15%.