Trong một bài báo xuất bản ngày 8-5 trên tạp chí Biology Letters, các nhà nghiên cứu đã mô tả cách những con rắn xúc xắc (Naxix tessellata) chứng tỏ "nghệ thuật diễn kịch" của chúng lên một tầm cao mới.
Rắn xúc xắc đạt chiều dài tối đa khoảng 1,2 mét và không có nọc độc, vì vậy chúng có ít khả năng phòng vệ trước các loài động vật có vú và chim lớn hơn ở vùng bản địa của chúng ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi.
Khi đối mặt với kẻ săn mồi, rắn thải ra phân và xạ hương, một sản phẩm phụ thối rữa trong quá trình tiêu hóa. Sau đó, chúng nằm ngửa và giả chết, và đôi khi chúng bắt đầu chảy máu từ miệng, có thể là để cố gắng biến mình thành một bữa ăn kém hấp dẫn hơn.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào quần thể rắn này ở Golem Grad, một hòn đảo ở hồ Prespa, Bắc Macedonia. Quần thể này dường như có xu hướng giả chết nhiều hơn các quần thể rắn xúc xắc khác.
Tác giả chính Vukašin Bjelica - nhà nghiên cứu nhà sinh vật học tại Đại học Belgrade, Serbia- nói: "Những con rắn xúc xắc từ Golem Grad đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trước hết, có một áp lực săn mồi rất lớn từ loài chim. Thứ hai, những con rắn này khá lớn khi so sánh với họ hàng trên đất liền của chúng. To lớn là điều tốt nếu bạn phải đối mặt với một kẻ săn mồi có giới hạn há mồm như một số loài chim".
Họ đã thử nghiệm 263 con rắn xúc xắc trên đảo bằng cách cầm lấy chúng, mô phỏng theo cách một kẻ săn mồi tiếp cận con mồi - nắm, giữ và duỗi cơ thể. Và kết quả họ nhận được là trong số những con rắn này, có 124 con dính phân trên cơ thể, 28 con chảy máu từ miệng - một hiện tượng được gọi là tự xuất huyết hoặc chảy máu phản xạ.
"Giả chết là một hành vi có tính rủi ro cao nhưng cũng có lợi ích lớn", tác giả chính Vukašin Bjelica nói với Live Science. Cụ thể, màn trình diễn rùng rợn này sẽ khiến kẻ săn mồi ghê tởm và bối rối, có thể mang lại đủ thời gian để con rắn trốn thoát, hoặc thậm chí khiến kẻ săn mồi từ bỏ nó.
Naxix tessellata không phải là loài động vật duy nhất có khả năng giả chết. Các loài thú có túi Virginia (Didelphis virginiana) có thể phóng uế và chảy dãi trong khi giả chết, cho thấy rằng chiến lược tiến hóa này đã được chứng minh là hữu ích trong mọi khía cạnh của đời sống động vật.