Theo các chuyên gia sức khỏe, việc phơi nắng để tổng hợp vitamin D là một phương pháp hỗ trợ sức khỏe đã được khoa học công nhận, đặc biệt là trong phòng ngừa loãng xương, hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm nguy cơ một số bệnh mạn tính.
Tuy nhiên, phơi nắng giữa trưa (12 giờ) không phải là lựa chọn tốt, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.

Thời điểm phơi nắng an toàn là trước 9 giờ hoặc sau 15 giờ
Ảnh: AI
Vì sao không nên phơi nắng lúc 12 giờ trưa?
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết vào khoảng 10 giờ đến 15 giờ, tia UVB - loại tia giúp tổng hợp vitamin D - đạt đỉnh. Nhưng cũng trong thời gian này, tia UVA (chiếm 95% lượng tia tới trái đất, gây lão hóa) và UVB (tạo vitamin D nhưng có thể gây bỏng da) đạt chỉ số mạnh nhất, có thể gây tổn thương da, làm tăng nguy cơ cháy nắng, lão hóa da và ung thư da nếu phơi quá lâu hoặc không bảo vệ đúng cách.
Tại Việt Nam, bức xạ tia cực tím vào giữa trưa thường vượt ngưỡng an toàn, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.
Cách phơi nắng đúng và an toàn
Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, để phơi ăn nắng đúng cách, an toàn, chúng ta cần lưu ý những điều sau đây:
- Thời điểm phơi nắng an toàn: Trước 9 giờ hoặc sau 15 giờ. Lúc này, tia UV vẫn đủ để cơ thể tổng hợp vitamin D, nhưng nguy cơ tổn thương da thấp hơn.
- Thời lượng: Khoảng 10-15 phút mỗi lần, 3-4 lần mỗi tuần. Tùy theo màu da, độ tuổi và vị trí địa lý, thời lượng có thể thay đổi.
- Diện tích da phơi nắng: Nên để ánh nắng tiếp xúc với các vùng như mặt, cánh tay hoặc chân (không cần phơi toàn thân).
- Không bôi kem chống nắng lên vùng da định phơi trong thời gian ngắn, nhưng sau khi phơi xong nên che chắn hoặc bôi kem nếu tiếp tục ra ngoài.
- Đối tượng đặc biệt như người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, hoặc người ít ra ngoài trời có thể cần bổ sung vitamin D qua đường uống theo hướng dẫn bác sĩ.
Bác sĩ Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, việc phơi nắng giúp tổng hợp vitamin D là đúng, nhưng không nên thực hiện vào giữa trưa khi tia cực tím rất mạnh. Hãy chọn thời điểm phù hợp, phơi nắng vừa đủ và kết hợp với chế độ ăn giàu vitamin D hoặc bổ sung nếu cần. Điều này sẽ giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ hệ miễn dịch mà vẫn đảm bảo an toàn cho làn da và sức khỏe tổng thể.

Bổ sung các thực phẩm như trứng, cá hồi, cá thu... giúp tăng cường vitamin D
Ảnh: AI
Cách bổ sung vitamin D
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết Vitamin D quan trọng trong việc hấp thu canxi, đảm bảo bền vững hệ cơ xương khớp, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giảm nguy cơ một số bệnh ung thư.
Có nhiều cách bổ sung, tăng cường hấp thu vitamin D như uống viên bổ sung, phơi nắng, ăn thực phẩm giàu vitamin D.
Gần đây để hạn chế tác hại do phơi nắng không đúng cách làm tăng nguy cơ ung thư da, các khuyến cáo điều trị, phòng ngừa thiếu hụt vitamin D không khuyến cáo phơi nắng, thay vào đó là bổ sung thực phẩm hay thuốc chứa vitamin D.
Chúng ta có thể bổ sung các thực phẩm như trứng, cá hồi, cá thu, sữa tăng cường vitamin D, ngũ cốc ăn sáng tăng cường vitamin D, bổ sung vitamin D dưới dạng viên uống hoặc giọt lỏng là những cách hiệu quả để đảm bảo đủ lượng vitamin D hằng ngày.