Xã hội

Thuốc giả lọt lưới do thói quen mua bán không đơn

Khó kiểm soát nguồn gốc

Theo Hội Tin học y tế VN, gần như 100% cơ sở bán lẻ thuốc đã có phần mềm đơn thuốc điện tử từ năm 2019 (theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BYT), nhưng các cơ sở (đặc biệt là khối cơ sở khám chữa bệnh) vẫn chưa thực hiện đầy đủ là nguyên nhân chính khiến việc quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn chưa được thực thi. Đây cũng là yếu tố cho kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tiếp diễn trên thị trường.

Thuốc giả lọt lưới do thói quen mua bán không đơn - Ảnh 1.

Việc bán lẻ thuốc online chỉ được áp dụng với thuốc không kê đơn

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

"Nếu tiếp tục sử dụng đơn thuốc giấy, đơn kê trên máy tính nhưng không đạt chuẩn đơn thuốc điện tử, chúng ta vẫn gặp phải những vấn đề mãi mãi không thể giải quyết được: không xác minh được đơn thuốc có thật hay không, giúp cho các cơ sở bán thuốc thuận lợi trong việc tạo ra đơn thuốc để chứng minh xuất nhập tồn với cơ quan quản lý nhà nước", ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế VN, lo ngại.

Ông Trọng cho rằng thực trạng cơ sở bán lẻ bán được thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, dù luật quy định phải có đơn là lỗ hổng trong quản lý mua bán thuốc theo đơn, khiến thuốc giả được mua bán khá dễ dàng. Như với vụ thuốc giả vừa được cơ quan công an phát hiện, hơn 20 loại thuốc giả, trong đó hơn 1/3 là thuốc kê đơn, đã được bán với giá trị hơn 200 tỉ đồng trên thị trường.

"Nếu còn tình trạng mua bán thuốc không có đơn, không minh bạch đơn thuốc trên hệ thống đơn thuốc quốc gia thì sẽ khó kiểm soát thuốc giả", ông Trọng nhận định.

Thông tin thêm về khó khăn trong quản lý nguồn gốc, đường đi của viên thuốc, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (QLD), Bộ Y tế, nêu thực trạng: "Việc cơ sở bán buôn, bán lẻ mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân chính để thuốc giả có thể xâm nhập thị trường dược phẩm hợp pháp".

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở bán lẻ thuốc, đã chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo quản, mua bán thuốc từ các cơ sở được cấp phép, mua bán thuốc có hóa đơn, chứng từ xác định nguồn gốc, xuất xứ của thuốc, dẫn đến tình trạng thuốc bị giảm chất lượng; tạo điều kiện cho tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả xâm nhập hệ thống kinh doanh thuốc hợp pháp.

Cũng theo ông Hùng, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ… còn chưa bảo đảm đủ tính nghiêm khắc, răn đe; chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm, tác hại gây ra của hành vi vi phạm. Đơn cử như quy định nếu cơ sở kinh doanh thuốc có hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị dưới 1 triệu đồng thì chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng - 1 triệu đồng; cơ sở chỉ bị buộc nộp lại tang vật hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trong khi đó, việc quản lý của chính quyền cơ sở còn nhiều bất cập, một số cơ sở sản xuất thuốc giả tồn tại trên địa bàn trong thời gian dài nhưng không bị kiểm tra, phát hiện.

Ông Hùng cũng cho biết với vai trò giám sát chất lượng thuốc, hệ thống kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của nhà nước đã bao phủ toàn bộ các tỉnh, thành. Tuy nhiên, năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu. Số lượng hoạt chất được kiểm tra chất lượng mới đạt khoảng 50% số hoạt chất sử dụng trong phòng chữa bệnh tại VN. Các viện tuyến T.Ư và một số trung tâm kiểm nghiệm tuyến tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Huế… có đủ cơ sở vật chất, thiết bị để kiểm tra chất lượng, nhưng thiếu chất chuẩn, dung môi hóa chất và một số điều kiện khác (như cột sắc ký…) để kiểm nghiệm. Tại các địa phương, phần lớn trung tâm kiểm nghiệm cơ sở vật chất còn thiếu, không kiểm tra được đầy đủ các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn thuốc, nguyên liệu làm thuốc như trong hồ sơ đăng ký đã được phê duyệt.

"Do chưa hình thành hệ thống kiểm soát viên chất lượng trong ngành y tế, dược phẩm nên hiện nay, hệ thống kiểm nghiệm thuốc nhà nước là đơn vị lấy mẫu, giám sát thị trường. Đây là giải pháp tạm thời, chưa đầy đủ, vì các đơn vị này chỉ lấy được mẫu thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược hợp pháp, nhưng không có đủ thẩm quyền để kiểm tra hóa đơn chứng từ xác định nguồn gốc, xuất xứ thuốc tại các cơ sở này, cũng như xử lý, xử phạt các hành vi buôn bán thuốc trái phép trên internet, mạng xã hội", Phó cục trưởng Cục QLD nêu thực tế.

Thực hiện cho có

Từ năm 2019 - 2020, Bộ Y tế đã thí điểm hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, và đã ban hành 2 thông tư và một số quyết định quy định về chuẩn kết nối liên thông đơn thuốc điện tử (với các phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc); vận hành hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Thuốc giả lọt lưới do thói quen mua bán không đơn - Ảnh 2.

Các thuốc phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ; đơn thuốc được lưu và liên thông đơn thuốc quốc gia, ngăn nguy cơ thuốc giả

ẢNH: TUẤN MINH

Các quy định này nhằm liên thông tất cả đơn thuốc được kê từ tất cả cơ sở khám chữa bệnh (công và tư) trên phạm vi toàn quốc với mã định danh cụ thể của bác sĩ, mã định danh cơ sở khám chữa bệnh và mã định danh cho từng đơn thuốc về kho tổng của Bộ Y tế. Cũng trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chia sẻ đơn thuốc (qua sự cho phép của người bệnh khi tới với cơ sở bán lẻ thuốc) với từng phần mềm của từng cơ sở bán lẻ để cơ sở thực hiện việc cấp bán thuốc theo đơn và tiếp nhận báo cáo số lượng đã cấp, bán trên từng đơn thuốc. Từ đó tránh được tình trạng người bệnh mua thuốc với đơn không minh bạch (đơn kê tay không xác thực, không rõ nguồn gốc).

Hệ thống thông tin quốc gia quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn có tác dụng đặc biệt trong quản lý hành nghề kê đơn của bác sĩ (kê đơn đúng thời gian và cơ sở được phép hành nghề không? Kê thuốc phù hợp với bệnh không?)… Các quy định này sẽ kiểm soát tối ưu mua bán thuốc, quản lý chất lượng, nguồn gốc thuốc khi đến tay người bệnh.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh liên thông đơn thuốc trên phạm vi toàn quốc của ngành y tế vẫn còn chậm trễ. Mặc dù thời hạn cuối cùng thực hiện liên thông đơn thuốc là ngày 30.6.2023, nhưng theo ghi nhận của Hội Tin học y tế VN, hiện tại mới có 11.213 trên tổng số hơn 60.000 cơ sở khám chữa bệnh hoạt động liên thông đơn thuốc thường xuyên. Nhiều bệnh viện tuyến cuối vẫn chưa liên thông đơn thuốc hoặc chỉ liên thông đơn kê bảo hiểm còn đơn thuốc khám chữa bệnh theo yêu cầu không liên thông. Tuyệt đại bộ phận các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa thực hiện liên thông đơn thuốc (khoảng 40.000 cơ sở).

Đáng lưu ý, theo đánh giá của Hội Tin học y tế VN, nhiều cơ sở bán lẻ thuốc, kể cả các nhà thuốc trong bệnh viện, chưa thực hiện bán thuốc theo đơn bằng mã đơn thuốc điện tử theo quy định (trong tổng hơn 218 triệu đơn thuốc đã liên thông chỉ có hơn 3,6 triệu đơn ngoại trú được báo cáo đã bán từ các cơ sở bán lẻ thuốc).

Tình hình thuốc giả phức tạp

Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết khi bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc điện tử thì chỉ kê được danh mục các loại thuốc của bệnh viện có, và thuốc đã được kiểm tra, kiểm soát đầu vào đảm bảo chất lượng. Trường hợp nếu cơ sở y tế, bác sĩ kê đơn các loại thuốc bán trôi nổi trên thị trường thì không loại trừ người bệnh sẽ mua phải thuốc giả. Ông Sỹ cũng đánh giá biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để ngăn chặn thuốc giả tràn vào cơ sở y tế là công tác kiểm nhập, kiểm nghiệm thuốc từ giai đoạn đấu thầu.

Thuốc giả lọt lưới do thói quen mua bán không đơn - Ảnh 3.

Một trong những xưởng sản xuất thuốc giả thuộc đường dây của Trịnh Doãn Giáo và Nguyễn Tiến Đạt, thời điểm lực lượng Công an Thanh Hóa ập vào bắt quả tang

ẢNH: PHÚC NGƯ

Tại Thanh Hóa, hệ thống y tế công lập hiện có 13 bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực, 25 bệnh viện tuyến huyện, 4 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 27 trung tâm y tế tuyến huyện, 559 trạm y tế xã. Hệ thống y tế tư nhân có 1.622 cơ sở khám, chữa bệnh; 4.023 cơ sở kinh doanh dược. Tuy nhiên, đến hết năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 524 cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược tiến hành liên thông đơn thuốc lên hệ thống đơn thuốc quốc gia, với tổng số đơn thuốc được liên thông là hơn 8 triệu đơn.

Thực tế việc người bệnh mua thuốc tại cửa hàng mà không cần đơn, hoặc tự mua thuốc bán trôi nổi trên mạng diễn ra phổ biến. Đây là nguy cơ lớn dẫn tới mua phải thuốc giả khi tình hình thuốc giả những năm gần đây diễn ra phức tạp. Tính từ năm 2023 - 4.2025, ngành y tế Thanh Hóa kiểm tra 72 cơ sở kinh doanh dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì phát hiện tới 48 cơ sở vi phạm. Trong 48 cơ sở vi phạm có 8 vụ việc liên quan đến thuốc giả phải chuyển cho cơ quan công an điều tra. Gần đây nhất là vụ cơ quan chức năng phát hiện đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc giả do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Ngoài Giáo và Đạt, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt giữ 12 bị can khác tham gia đường dây này. Khi khám xét các xưởng sản xuất thuốc giả ở 6 tỉnh, thành phố, gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội và TP.HCM, cơ quan công an đã thu giữ gần 10 tấn thuốc giả, nguyên liệu, vật liệu làm thuốc giả. Bước đầu xác định đường dây này đã sản xuất 21 loại thuốc khác nhau, chia thành nhóm thuốc tây y và đông y. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện 7 cửa hàng tại Thanh Hóa và nhiều cá nhân bán các loại thuốc giả do đường dây trên sản xuất.

Theo Sở Y tế TP.HCM, liên thông đơn thuốc của các nhà thuốc trước đây có làm nhưng gần 2 năm nay, phần mềm trục trặc không kết nối được. Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục có chỉ đạo về vấn đề này nhưng để triển khai, hạ tầng của các nhà thuốc và hệ thống đơn thuốc quốc gia cần phù hợp hơn, nhằm đảm bảo kết nối hệ thống được trơn tru. Hiện, việc liên thông đã được nhà thuốc của các bệnh viện thực hiện. Về tình hình bán thuốc kê đơn, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá hầu hết nhà thuốc trong bệnh viện đều tuân thủ quy chế. Nhưng với các nhà thuốc bán lẻ bên ngoài, tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thì mới đánh giá được đầy đủ hơn. "Chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế trên máy tính về dữ liệu được lưu. Và đặc biệt, tăng cường kiểm tra đột xuất, chú trọng kiểm tra hồ sơ nhập thuốc, bán thuốc; mua, bán thuốc có hóa đơn", vị lãnh đạo này cho biết. 

Duy Tính

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

9h sáng nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 119 - 121 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Lý do một tập đoàn có tiếng bị "cấm cửa" ở Hà Nam

Sau khi trúng thầu gói thầu số 11 với tổng mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn C.4. đã tiến hành khởi công dự án. Tuy nhiên, quá trình rà soát tỉnh Hà Nam phát hiện doanh nghiệp này làm giả hồ sơ nên đã hủy quyết định trúng thầu và cấm tham gia các gói thầu trên địa bàn tỉnh.

Nghị lực sống của cô bé ung thư xương

Hai năm chống chọi với ung thư xương, phải cắt bỏ tay trái, Hồ Thị Thành Phương vẫn nuôi giấc mơ làm bác sĩ, trở thành điểm tựa tinh thần cho gia đình.

Siêu dự án bò sữa của TH true MILK tại Nga chính thức có thành phẩm ra thị trường

Ngày 11/5, Tập đoàn TH tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch tại tỉnh Kaluga, Liên bang Nga – một hạng mục quan trọng thuộc Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga và có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko cùng lãnh đạo cấp cao và đông đảo doanh nghiệp hai nước.