Phong cách sống

Cam chịu với mức lương "đứng im" vì không dám bỏ việc trong bão giá

Bão giá - cụm từ đang được nhắc đến nhiều nhất và cũng là vấn đề khiến nhiều người "đau đầu". Khi mọi chi phí từ xăng dầu, thực phẩm,... đều tăng cao, cuộc sống sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày của nhiều người cũng theo đó bị tăng lên một cách chóng mặt. Chưa kể, mức lương vẫn "dậm chân tại chỗ" khiến không ít các bạn trẻ loay hoay để giải bài toán chi tiêu sao cho hợp lý.

Mặc dù vậy, nhiều người trẻ vẫn quyết gắn bó với công việc và mức thu nhập hiện tại thay vì nhảy việc bởi tâm lý chung, ai cũng sợ thất nghiệp. Hơn nữa, thất nghiệp trong mùa bão giá lại càng kinh khủng, điều mà chẳng ai muốn nghĩ đến.

Chuyển việc đồng nghĩa mọi thứ bắt đầu từ số 0, mức lương cũng chưa chắc được như hiện tại

Xuân Tùng, 26 tuổi hiện đang làm tư vấn viên cho một trung tâm Tiếng Anh tại Hà Nội. Sinh ra và lớn lên tại thành phố lớn, Xuân Tùng may mắn khi không phải thuê nhà giống như nhiều bạn trẻ khác. Tuy nhiên hiện tại, anh chàng mới lập gia đình riêng nên các chi phí khác như tiền ăn, tiền điện nước và cả những khoản dự trù cho việc chào đón con đầu lòng bắt đầu trở thành một mối lo lớn.

Các khoản cần chi ngày một nhiều lên nhưng mức thu nhập của Xuân Tùng vẫn còn khá bấp bênh. Anh chia sẻ: "Mức lương của mình ở vị trí công việc hiện tại có thể nói là khá thấp so với tình hình kinh tế hiện nay. Nếu muốn cải thiện thu nhập, mình buộc phải tăng năng suất làm việc, thậm chí làm thêm giờ. Thế nhưng cũng vì bão giá, giá học phí ở trung tâm mình cũng phải thay đổi cao hơn thành ra các phụ huynh cũng sẽ cân nhắc trong việc đăng ký học cho con. Và đương nhiên, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của mình".

Cam chịu với mức lương đứng im vì không dám bỏ việc trong bão giá - Ảnh 1.

Xuân Tùng lựa chọn không nhảy việc dù lương không cao vì sợ rủi ro trong thời kì bão giá

Xuân Tùng cũng cho biết, thu nhập một tháng anh sẽ dành 50% để tiết kiệm. 50% còn lại sẽ phục vụ cho các chi tiêu chung của gia đình và dự phòng cho các hoạt động phát sinh như đám cưới, tụ họp bạn bè,... Thế nhưng vì tình hình bão giá, có những tháng anh sẽ phải thay đổi cách chi tiêu. "Vợ mình cũng đang mang bầu, nên bây giờ mình phải tính toán thêm một khoản cho các dịch vụ thăm khám, chuẩn bị cho em bé. Nên đôi khi mình sẽ chia thu nhập linh hoạt hơn, có thể để dành tiết kiệm khoảng 30% thôi còn lại sẽ để chi tiêu", Xuân Tùng nói.

Dù vậy, với mức lương không mấy dư giả nhưng Xuân Tùng vẫn quyết định không nghỉ việc tại thời điểm này. Anh cho rằng, bản thân đã có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm tại trung tâm nên khi chuyển sang công việc khác sẽ phải mất thời gian đầu để làm quen cũng như xây dựng, chứng minh năng lực. "Thay vì mất một khoảng thời gian làm lại từ đầu như vậy, mình chọn ở lại với mức lương cũ. Dù không cao nhưng vẫn có cách để cải thiện. Vì nếu sang công ty khác, mình cũng chưa chắc đạt được ngay mức thu nhập như mong muốn. Nên mình nghĩ, nhảy việc ở thời điểm bão giá này khả năng rủi ro cao. Mình còn nhiều thứ phải lo, mình không đánh đổi liều lĩnh như vậy được", anh chia sẻ.

Không sinh sống tại Việt Nam, Hữu Tài đang là du học sinh tại thành phố Hannover, Đức. Anh cho biết, tình trạng bão giá, lạm phát đang là vấn đề chung trên toàn thế giới, thậm chí đối với những người ở xa nhà, sống tại một đất nước phát triển thì những vấn đề xoay quanh chi tiêu, tiền bạc càng "đau đầu" hơn.

"Ngoài học tập, mình đang làm thêm chủ yếu tại một tiệm bánh. Cùng với đó, mình cũng có một số công việc nhỏ khác để tăng thu nhập. Bởi ở Đức hiện nay mỗi món hàng từ nhu yếu phẩm đến đồ dùng sinh hoạt đều tăng vùn vụt. Chi tiêu hàng tháng của mình bắt buộc tăng lên khoảng 30% so với trước đây. Mà mức lương của mình vẫn giữ nguyên, nói thật là chỉ vừa đủ cho chi tiêu chứ không dành ra được đồng nào. Do vậy, mình phải làm thêm các công việc khác để tăng thu nhập vì còn phải dự trù những chi phí phát sinh hằng tháng nữa", Hữu Tài chia sẻ.

Cam chịu với mức lương đứng im vì không dám bỏ việc trong bão giá - Ảnh 2.

Cuộc sống ở Đức khá đắt đỏ, Hữu Tài phải làm thêm nhiều công việc để tăng thu nhập

Chàng du học sinh bật mí, hằng tháng mức thu nhập trung bình của anh là 1200e (khoảng hơn 28 triệu đồng). Tuy nhiên, so với mức sống tại Đức, thu nhập này của Hữu Tài chẳng thấm vào đâu bởi có rất nhiều khoản tiền cần chi như: Tiền học, tiền nhà, tiền bảo hiểm, hợp đồng mạng, điện thoại,... Khoản chi cứng mỗi tháng của Hữu Tài là 800e (khoảng 19 triệu đồng), số còn lại sẽ chia ra tiết kiệm và chỉ giữ một khoản nhỏ đi ăn uống với bạn bè nếu cần thiết.

Hữu Tài cho hay: "Ở thành phố mình sống, mức lương đó không hề cao vì bọn mình có nhiều thứ phải chi lắm. Nhưng công bằng mà nói, công việc hiện tại của mình so với mặt bằng chung, lương vẫn nhỉnh hơn các chỗ khác. Do vậy dù công việc hơi nặng nề nhưng mình vẫn cố gắng chứ không đổi việc. Ngoài ra, mình cũng quen công việc ở đây, thời gian cũng phù hợp với lịch học và có thể làm thêm cả những việc khác nữa.

Còn nếu các bạn cảm thấy mức lương hiện tại quá thấp, không đủ chi tiêu và cũng không phù hợp với khối lượng công việc thì cũng nên cân nhắc nhảy việc. Bão giá khó khăn thật nhưng cơ hội công việc thì không thiếu. Hoặc các bạn có thể làm giống như mình, thay vì quá tiết kiệm đến mức tằn tiện, hãy tìm thêm nhiều việc lẻ để kiếm tiền. Mình còn trẻ, chịu khó vất vả một chút nhưng sau này sẽ ổn định và vững vàng kinh tế hơn".

Thà lựa chọn "nhịn ăn nhịn mặc" trong thời điểm bão giá còn hơn nhảy việc

Là một giáo viên mầm non, Tuệ Minh (26 tuổi) chỉ có mức thu nhập đến từ lương cứng mỗi tháng. Hơn nữa, ngành nghề đặc thù nên Tuệ Minh cũng không có thêm kinh nghiệm để làm việc trong những môi trường khác như kinh doanh, tư vấn,... Do vậy, cuộc sống của cô chỉ phụ thuộc vào duy nhất mức lương cơ bản.

Cam chịu với mức lương đứng im vì không dám bỏ việc trong bão giá - Ảnh 3.

Với mức lương giáo viên, Tuệ Minh quyết định nhịn mua sắm thay vì nhảy việc

Thời điểm khi giá cả bình ổn, Tuệ Minh cho biết dù thu nhập không cao nhưng vẫn có thể cân đối chi tiêu: "Mình sống cùng bố mẹ, mỗi tháng đều trích một khoản lương để gửi cho mẹ lo chi tiêu gia đình. Mình nghĩ đây là điều may mắn của mình. Bởi so với các bạn sống riêng chắc hẳn sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn. Nên khi giá cả mọi thứ chưa tăng mạnh như bây giờ, cuộc sống của mình vẫn ổn định với mức lương hiện có. Thế nhưng ở hiện tại, vật giá leo thang mỗi ngày, mình phải thay đổi thói quen sinh hoạt sao cho phù hợp với thu nhập - thứ duy nhất không tăng".

Theo Tuệ Minh, cô lựa chọn bỏ bớt những nhu cầu cá nhân như ăn vặt, mua sắm quần áo, mỹ phẩm để tiết kiệm tiền. Cô cũng thẳng thắn cho biết, bản thân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ nhảy việc hoặc chuyển sang một ngôi trường khác với mức lương cao hơn.

"Thực ra nghề nghiệp của mình thì ở đâu cũng có mức lương tương tự, không quá chênh lệch là bao. Hơn nữa, mình là giáo viên mầm non tại trường công, bậc lương sẽ tăng theo thời gian cống hiến nên nếu giờ mình bỏ ngang sẽ rất phí những cố gắng từ trước của mình. Do vậy, mình thà "nhịn ăn nhịn mặc" chứ không lựa chọn chuyển việc trong thời điểm bão giá này đâu", Tuệ Minh khẳng định.

Cùng chung quan điểm với Tuệ Minh, Ngọc Yến kể: "Mình đang làm nhân viên ngân hàng, lương không quá cao nhưng cũng vừa đủ hàng tháng, không dư ra mấy. Mỗi tháng, mình sẽ chia ra 30% để gửi biếu bố mẹ, 30% tiết kiệm và 40% còn lại để chi tiêu. Mình vốn là người thích giao lưu bạn bè nhưng kể từ khi mọi thứ tăng giá chóng mặt, cũng phải hạn chế ăn ngoài, mua sắm để phù hợp hơn với tình hình".

Ngọc Yến cho biết cô không muốn thay đổi công việc ở thời điểm hiện tại cũng một phần vì sợ bị ảnh hưởng bởi bão giá. "Mình không thể chắc chắn được đến bao giờ giá cả mới bình ổn trở lại vì vấn đề này không phải mang tính chất thời điểm mà có thể sẽ kéo dài. Nếu cứ vì lương không tăng mà nhảy việc, đến tuổi nào mình mới ổn định?

Cam chịu với mức lương đứng im vì không dám bỏ việc trong bão giá - Ảnh 4.

Ngọc Yến cũng rất thận trọng, không nhảy việc vì sợ nhiều vấn đế về bão giá

Hơn nữa, nếu chỉ đơn giản thấy mức lương của bên khác cao hơn mà quyết định chuyển mình cảm thấy khá rủi ro. Mình không thể chỉ nhìn vào đó mà đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thế nào, môi trường ra sao, chế độ đãi ngộ,... Bởi khi tuyển dụng, ai cũng muốn mang những điều tốt đẹp nhất ra để chiêu mộ nhưng trên thực tế, có không ít người vào làm rồi mới vỡ lẽ doanh nghiệp đó đang trên bờ phá sản. Lúc đó, nhân viên sẽ rơi vào tình trạng bị nợ lương hoặc tệ hơn là thất nghiệp. Cho dù có khoản tiết kiệm đi chăng nữa thì khi rơi vào trường hợp đó cũng khó có thể xoay sở, nhất là khi lạm phát như hiện nay.

Vì vậy, để cuộc sống vẫn thoải mái với mức lương hiện tại, mình sẽ thay đổi các thói quen chi tiêu cá nhân. Có thể vẫn mua sắm nhưng phải thực sự cần thiết chứ không còn săn sale hay thấy thích là mua rồi không dùng như trước. Ngoài ra, mình cũng cố gắng tự nấu cơm mang đi làm thay vì ăn hàng. Nói chung là tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất, mong rằng bão nào rồi cũng sẽ qua", Ngọc Yến chia sẻ.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm