Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), đồng USD tăng giá lên mức cao nhất nhiều thập niên đang ảnh hưởng lan rộng đến kinh tế toàn cầu. Chỉ số WSJ Dollar Index, đo lường tỷ giá đồng USD với 16 ngoại tệ khác, đã tăng 8,7% trong 6 tháng đầu năm lên mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2010.
Tính đến ngày 21/7, chỉ số này đã tăng thêm 1,4%.
Trong khi các đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi giảm giá vì nhà đầu tư rút vốn chuyển sang USD thì các nước phát triển cũng chịu tổn thương không kém. Vào tuần trước, đã có thời điểm đồng Euro xuống thấp hơn cả đồng USD, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Theo WSJ, sự tăng giá của đồng USD chủ yếu là do Mỹ nâng lãi suất. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng 0,75 điểm phần trăm lãi suất trong tháng 6/2022, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 đến nay, đồng thời báo hiệu sẽ còn tăng nữa nhằm chống lạm phát.
Hệ quả là các nhà đầu tư đổ tiền về thị trường Mỹ nhằm tìm kiếm nơi trú ẩn. Thay vì các kênh chứng khoán, đồng USD lại trở thành tài sản trú ẩn an toàn của họ.
Việc FED tăng lãi suất đã kích thích nhiều ngân hàng trung ương có động thái tương tự để chống lạm phát. Ví dụ như Brazil đã nâng lãi suất lên đến 13,25% trong tháng 6/2022.
Thoái vốn và vỡ nợ
Việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để đổ về Mỹ và đồng USD đang gây bất ổn cho hệ thống tài chính.
Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi tính đến tháng 6/2022 đã lên đến 4 tỷ USD. Theo IIF, nếu loại trừ Trung Quốc thì dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi hiện nay đã tương đương với cú sốc năm 2013 khi FED dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE).
(Click để xem chú thích)
Chưa dừng lại ở đó, những nước phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ cũng đối mặt khoản nợ phình to khi đồng USD tăng giá cũng như lãi suất đi lên. Ví dụ điển hình là Sri Lanka khi nước này vỡ nợ và lạm phát phi mã. Chính phủ không còn đủ USD để nhập khẩu nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men hay xăng dầu.
Tại các thị trường mới nổi, việc phát hành trái phiếu bằng đồng USD khá phổ biến. Báo cáo của IIF cho thấy loại trái phiếu này chiếm đến hơn 20% GDP trong quý I/2022 tại các nước như Argentina, Ukraine hay Colombia, cao hơn rất nhiều mức tiêu chuẩn 2% GDP để có thể xử lý được ở Châu Âu và Châu Á.
"Bất kỳ quốc gia nào có vay nợ bằng đồng USD đều đang đối mặt rủi ro cao", chuyên gia Marcello Estevao của Ngân hàng thế giới (World Bank) cảnh báo.
*Nguồn: WSJ