Suốt thời gian qua, dự án xây dựng nhà hát 1.600 chỗ bên Hồ Tây đã gây xôn xao trong dư luận. Nhà hát có diện tích khoảng 13.000 m2, là không gian trình diễn nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa chính trị của Hà Nội.
Một công trình kiến trúc đại diện cho Thủ đô hiển nhiên cần đến bàn tay của một kiến trúc sư (KTS) tầm cỡ. Nếu dự án được triển khai, người được chọn không phải ai khác ngoài Renzo Piano.
Vậy Renzo Piano là ai?
Renzo Piano sinh năm 1937 tại Genova (Ý), trong một gia đình có truyền thống làm thợ nề. Từ một xưởng nề nhỏ, ông nội và cha của Renzo đã phát triển nó thành một doanh nghiệp xây dựng mang tên Fratelli Piano.
Sau Thế chiến II, công ty ngày càng phát triển, chuyên về xây dựng nhà cửa và công xưởng, cũng như buôn bán các vật liệu xây dựng. Khi bố của Renzo nghỉ hưu, một người bác học ngành kỹ sư đã tiếp quản cơ ngơi gia đình.
Bản thân Renzo Piano cũng học kiến trúc tại ĐH Florence và ĐH Bách khoa Milan. Ông tốt nghiệp năm 1964, sau đó bắt đầu công việc với các cấu trúc nhẹ mang tính thử nghiệm và các hầm trú ẩn cơ bản.
Từ năm 1965 đến 1968, Renzo Piano dạy học tại ĐH Bách khoa Milan. Sau đó, ông làm việc và mài giũa tài năng tại hai doanh nghiệp quốc tế lớn, dưới trướng KTS hiện đại Louis Kahn ở Philadelphia (Mỹ) và Zygmunt Makowski ở London (Anh).
Công trình đầu tiên mà Renzo Piano hoàn thành là Nhà máy IPA tại Genoa (Ý) vào năm 1968, với phần mái được lợp thép và polyester gia cường. Cùng năm đó, ông cũng thiết kế một công trình nhỏ tại Milan Triennale - một bảo tàng nghệ thuật lâu đời ở Ý.
Năm 1970, Renzo Piano nhận dự án quốc tế đầu tiên, thiết kế Italian Industry Pavilion tại Expo 70 ở Osaka. Công trình này ấn tượng tới mức khiến KTS người Anh Richard Rogers quyết định cộng tác với ông. Hai người đã thành lập một công ty riêng mang tên Piano & Rogers, làm việc cùng nhau trong giai đoạn 1971-1977.
Trung tâm văn hóa Georges Pompidou, hay còn gọi là Trung tâm Beaubourg, ở thủ đô Paris (Pháp). Một điểm lí thú của công trình này ba màu của quốc kì Pháp được ẩn sau lớp khung thép và ống của công trình. (Ảnh: Renzo Piano)
Một công trình khác của Renzo Piano là sân bay quốc tế Kansai, đặt trên một hòn đảo nhân tạo, gần Osaka (Nhật Bản). Nó được xem như một trong những kì quan của kỹ thuật thế kỷ 20.
Phòng biểu diễn thính phòng (Auditorium-Parco della Musica) ở Roma (Ý). Đây là công trình biểu diễn nghệ thuật lớn nhất châu Âu, với 3 phòng biểu diễn có sức chứa 2800, 1200 và 700 khán giả, cùng với một nhà hát ngoài trời và một công viên. (Ảnh: Renzo Piano)
Dự án đầu tiên do Piano & Rogers đảm nhiệm là tòa nhà văn phòng cho công ty kiến trúc B&B Italy. Công trình này được thiết kế theo dạng thùng chứa lơ lửng với cấu trúc chịu lực mở, với các ống dẫn nước và nhiệt được đặt bên ngoài và sơn màu sặc sỡ. Nhờ vậy, hai người đã thu hút sự chú ý không nhỏ của giới KTS quốc tế.
Năm 1977, Piano và Rogers tiếp tục được chọn lựa để xây dựng Trung tâm văn hóa Georges Pompidou ở Paris (Pháp) vào năm 1977. Công trình biểu hiện vẻ đẹp của công nghệ mới, bộc lộ các loại cấu trúc, thang máy, đường ống ra ngoài, tạo nên một vẻ đẹp khỏe khoắn.
Đây cũng là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp thành công của Renzo Piano sau này.
Năm 1998, Renzo Piano giành giải thưởng Pritzker - được ví như "Nobel của ngành kiến trúc". Ông là người duy nhất từng được hội đồng giám khảo nhận xét là có thể sánh ngang với "Tam sư của Phục hưng Cổ điển", bao gồm Leonardo da Vinci, Michelangelo và Brunelleschi.
Renzo Piano đã đem đến vô số "cuộc cách mạng" cho nghệ thuật kiến trúc, bằng cách tích hợp công nghệ, vật liệu và sự sáng tạo để xây dựng mọi loại công trình, từ khách sạn, nhà thờ,... đến nhà hát, sân bay,... Các thiết kế của vị KTS tài ba này thể hiện rõ niềm đam mê và sự tự do trong con người ông.
"Bậc thầy kiến trúc" từng ví mình với Robinson ngoài đảo hoang. Trong tác phẩm của Daniel Defoe, nhân vật này luôn chú ý đến khí hậu, không khí và tinh thần của mỗi nơi mình đến, thậm chí còn trồng cây, thuần hóa dê và làm đồ gốm, biến hòn đảo hoang thành một "thành phố" mới sau khi rời đi.
Tinh thần tiên phong này cũng tìm thấy trong con người Renzo Piano. Ông luôn tích hợp nghệ thuật của công trình với vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh, nhờ đó tạo nên một khung cảnh hài hòa, cùng nhau tỏa sáng.
"Từ khi còn là một đứa trẻ sống cạnh bến cảng xem tàu thuyền dỡ hàng, tôi đã luôn mơ ước được chống lại trọng lực. Đó là điều tôi đã cố gắng thực hiện suốt những năm qua trong sự nghiệp: xây dựng những tòa nhà có thể nổi trên mặt đất", ông chia sẻ.
"Tôi cũng thích thiết kế những tòa nhà thú vị để con người gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm. Kiến trúc là nghệ thuật tạo ra nơi trú ẩn cho con người".
"Làm ngành này, bạn cần trở thành những người khác nhau vào những thời điểm khác nhau: một thợ xây vào buổi sáng, một nhà thơ vào buổi trưa và một nhà nhân văn vào buổi tối. Tôi không thể nghĩ ra điều gì tuyệt vời hơn để dành thời gian mỗi ngày của mình".
Nhà hát Opera Hà Nội không phải là dự án đầu tiên tại Việt Nam của Renzo Piano. Ông rất có duyên với mảnh đất hình chữ S này, khi từng lên phương án thiết kế cho Nhà hát Thăng Long - công trình kiến trúc nhằm kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội.
Ban đầu, thành phố dự định động thổ Nhà hát Thăng Long tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, quy mô khoảng 22 ha, với số vốn dự kiến lên tới gần 2.400 tỷ VNĐ. Nơi này bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ và một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ.
Ngoài ra, Nhà hát còn có không gian biểu diễn ngoài trời. Toàn bộ khối nhà đều nổi trên cao, nhường chỗ cho bên dưới là mặt nước, cây xanh và công việc. Đáng tiếc là dự án này đã không thể thành hình.
Khi có người nhận xét bản thiết kế Nhà hát Thăng Long hao hao các công trình khác của Renzo Piano, vị KTS người Ý đã bình tĩnh trả lời: "Khi chúng ta nhìn một bản nhạc, chúng có vẻ giống nhau vì chỉ có từng đấy nốt nhạc trên các dòng kẻ mà thôi. Nhưng khi chúng ta lắng nghe, mỗi bản nhạc đều có sự đặc biệt riêng của nó".
Phối cảnh Nhà hát Thăng Long bên ngoài (Ảnh: L'Autre Image)
Phối cảnh Nhà hát Thăng Long cận cảnh (Ảnh: L'Autre Image)
Với dự án Nhà hát Opera Hà Nội, Renzo Piano mong muốn ứng dụng công nghệ kết cấu vỏ mỏng vào phần mái vòm, sau 40 năm tìm hiểu và nghiên cứu. Đây là thiết kế đặc biệt chưa từng có trên thế giới, đòi hỏi người KTS phải tính toán vô cùng kỹ lưỡng. Nó không chỉ tạo vẻ thanh nhã, độc đáo cho công trình, mà còn đem lại không gian thoáng mát, tăng cường khả năng lọc âm để tối ưu hóa trải nghiệm của khán giả.
Vị KTS người Ý đã lên ý tưởng về mái vòm cong tự nhiên nhờ mô phỏng sinh học kết cấu của xương, vỏ ốc, gân lá của hoa súng,.... Đặc biệt, mái vòm sẽ được phủ một lớp ceramic hiệu ứng ngọc trai để phản chiếu ánh sáng và sự chuyển động của không gian và thời gian.
Nhà hát Opera Hà Nội (Ảnh phối cảnh)
Renzo Piano cũng muốn cảnh quan xung quanh Nhà hát Opera giống một công viên xanh, phù hợp với không gian Hồ Tây yên bình. Đây sẽ là nơi để người dân vừa đến thưởng thức nghệ thuật, vừa tận hưởng những phút giây thư giãn giữa thiên nhiên.
Để đưa ra được những ý tưởng độc đáo này, Renzo Piano đã dành nhiều năm để nghiên cứu về văn hóa lịch sử của Hà Nội. Ông muốn tạo dựng một công trình mang dấu ấn không tưởng của tương lai, đồng thời đậm chất cổ xưa của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
(Tổng hợp)