Ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều sóng gió. Theo các chuyên gia, việc thắt chặt tín dụng và kiểm soát việc phát hành trái phiếu có thể sẽ khiến thị trường hạ nhiệt trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp có năng lực vừa và nhỏ cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn.
Trong khi đó, theo thống kê của người viết, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn tự tin lên kế hoạch triển khai dự án mới và mở rộng quỹ đất.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO), trong năm 2022, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển thêm các dự án mới trên địa bàn cả nước với tổng quy mô gấp rưỡi hoặc gấp đôi hiện nay.
Hiện CEO Group có quỹ đất hơn 1.000 ha và sẽ phát triển thêm 500 – 1.000 ha, tập trung vào các thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là các đô thị ven biển có hạ tầng tốt. Dự kiến doanh nghiệp sẽ cung cấp ra thị trường trên 4.000 sản phẩm bất động sản với ít nhất hơn 1 triệu m2 sàn và 600.000 m2 đất kinh doanh, khách sạn 5 sao đạt 3.000 - 5.000 sản phẩm,...
Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) cho biết sẽ tiếp tục triển khai loạt các dự án ở TP HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An,… trong năm nay.
Đồng thời công ty sẽ M&A quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng và thời gian triển khai nhanh. Các khu vực công ty hướng đến gồm: TP HCM (quận 7, Bình Chánh, quận 9, Nhà Bè, Bình Tân…) và các địa phương lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…). Lãnh đạo doanh nghiệp cũng hé lộ công ty đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30 – 50 ha quỹ đất thấp tầng.
CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) mới đây đã cam kết sẽ xúc tiến và hoàn thành pháp lý để tiếp tục triển khai các dự án trong năm 2022 theo lộ trình, mục tiêu đã đề ra.
Trong năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ,… Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn,…
Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) cho biết thời gian tới sẽ khảo sát, tìm kiếm phát triển các quỹ đất mới để đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở. Trong giai đoạn 2022 - 2023, doanh nghiệp lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở.
Một số ông lớn khác lại đẩy mạnh bán hàng và có kế hoạch ra mắt thị trường những dự án mới trong năm nay. Chẳng hạn, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) cho biết sẽ ra mắt thị trường một số đại dự án mới quy mô lớn tại những tỉnh thành có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giàu tiềm năng phát triển. Doanh nghiệp kỳ vọng doanh số bán hàng năm 2022 tăng trưởng khả quan.
Một trong những định hướng chiến lược mới của Vinhomes trong thời gian tới là tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp tại các tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể, trong vòng 5 năm tới, Công ty phấn đấu hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trên cả nước với giá bán dự kiến chỉ từ 300 triệu đồng đến 950 triệu đồng/căn.
Hay như CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL), doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục phát triển 24 dự án, trong đó có 16 dự án ở TP HCM, 1 dự án ở Đồng Nai, 2 dự án ở Bình Thuận, 1 dự án ở Khánh Hòa, còn lại là các dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên quỹ đất sẵn sàng đưa ra thị trường, Novaland sẽ giới thiệu thêm 15.000 sản mới, tương đương khoảng 140.000 tỷ giá trị giao dịch.
Theo kế hoạch trong tháng 6, Novaland sẽ ra mắt một dự án hơn 600 ha mang thương hiệu NovaWorld nằm tiếp giáp đường Trần Phú, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, Novaland cũng có kế hoạch ra mắt dự án NovaWorld Da Lat (1.000 ha) ở Lâm Đồng. Doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu thêm các quỹ đất tại Liên Khương - Prenn, Lâm Đồng với tổng quy mô hơn 3.000 ha.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cho biết sẽ triển khai và bắt đầu mở bán nhiều dự án mới trong năm nay như Poulo Condor (Bà Rịa-Vũng Tàu), Tropicana (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bắc Hà Thanh (Bình Định), Serenity Phước Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), dự án Bờ Bắc (Quảng Ngãi), 223 Trần Phú (Đà Nẵng), Khu phức hợp cao tầng Thuận An (Bình Dương).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai 5 khu công nghiệp (KCN) gồm: Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu công nghiệp tại Đà Nẵng, Khu công nghiệp tại Bình Dương, Khu công nghiệp Cao Lãnh (Đồng Tháp), khu công nghiệp Hàm Ninh (Kiên Giang).
Năm nay, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) tiếp tục bán hàng (Southgate, Mizuki Park, Akari, Waterpoint) và các dự án mới (Izumi City, Cần Thơ, Hải Phòng và Đại Phước). Trong quý II sẽ mở bán tiếp các dòng sản phẩm tại Mizuki, Akari (2 block), Waterpoint. Nam Long đặt mục tiêu doanh số bán hàng năm 2022 cao gấp 4 lần năm ngoái, đạt 23.375 tỷ đồng.
Doanh nghiệp khó huy động vốn hơn
Trong báo cáo vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, các chủ đầu tư dự án có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại. Tức là các doanh nghiệp có thể sẽ giảm ngân sách cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư Việt Nam sẽ có xu hướng hợp tác phát triển dự án bất động sản với các đối tác có nguồn tiền dồi dào, hoặc các nhà phát triển nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn thắt chặt như hiện nay.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022 - 2023. Về lâu dài, triển vọng thị trường vẫn tích cực.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi nguồn cung trong năm 2022, vì các chủ đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền.
Điều này được thể hiện qua triển vọng doanh số ký bán của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong 2022, với Khang Điền tăng 14 lần, Đất Xanh tăng 4 lần, Nam Long tăng 105% so với cùng kỳ và so với mức nền thấp năm 2021.