Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có báo cáo gửi QH kết quả thực hiện Nghị quyết 41 về hoạt động chất vấn về lĩnh vực y tế và GD-ĐT.
Xử nghiêm tiêu cực trong mua sắm thiết bị
Trong báo cáo vừa gửi QH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ Y tế đã kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm Covid-19, bảo đảm đúng quy định về giá.
Theo báo cáo này, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu. Cùng với đó, thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành phố về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc-xin và tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng chống dịch Covid-19; phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý đối với mặt hàng sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế trong công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế cũng kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giá cả thị trường. "Thời gian qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR" - báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân Ảnh: NGỌC DUNG
Về việc ban hành quy định mức giá trần xét nghiệm Covid-19 với cơ sở y tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện tại điểm 5 điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Để kiểm soát giá xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị sở y tế các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trường hợp cần thiết, sở y tế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế tư nhân.
Theo Bộ Y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì vậy Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân. Tuy vậy, Bộ Y tế cũng đã đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, đồng thời không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tăng cường giám sát tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK
Liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận một số bộ SGK ban hành vẫn còn "lỗi", "sạn", gây ra dư luận không tốt. Khi ban hành SGK còn tình trạng SGK có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa phù hợp với học sinh lớp 1; một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các SGK lớp 2 và lớp 6.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở một số địa phương còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng GV và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là cấp tiểu học. Ở cấp THCS và cấp THPT, đội ngũ GV còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT có một số môn học mới. Trong khi đó, nguồn ngân sách nhà nước chi cho GV, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nên các cơ sở GDPT vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng các văn bản về định mức biên chế giáo viên; trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chế độ, chính sách liên quan đến triển khai chương trình, SGK GDPT. Tăng cường hướng dẫn lựa chọn SGK, tập huấn hướng dẫn sử dụng SGK trong các môn học/hoạt động giáo dục tại các cơ sở bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định bảo đảm chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình. Tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Học trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe HS
Theo kết quả khảo sát đánh giá quá trình tổ chức dạy học trực tuyến đối cán bộ quản lý, GV và học sinh (HS) tiểu học, THCS, THPT tổ chức tháng 2 vừa qua, 44,9% HS được hỏi cho rằng các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học, 38,4% HS bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh, 35,5% HS thường xuyên nghe không rõ tiếng thầy cô giảng bài, 20% HS không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần... Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy có 45% HS gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai... Các GV cho rằng học trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của HS là khá cao (từ 62%-77%), với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp tiểu học lên đến THPT.