Theo biên bản, một trong các nhà hoạch định chính sách cũng đã tính đến khả năng gia tăng chênh lệch giữa lãi suất của Hàn Quốc và Mỹ, và tác động của nó đối với thị trường tài chính, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng tốc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Ngày 25/8, bảy thành viên của hội đồng chính sách tiền tệ đã bỏ phiếu nhất trí nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ bảy kể từ tháng 8/2021 và sau đợt tăng lãi suất lớn chưa từng thấy 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7/2022.
Một thành viên đề nghị giấu tên cho biết ưu tiên hàng đầu trong chính sách tiền tệ đó là ngăn chặn lạm phát cao ngày càng kéo dài và cần duy trì quan điểm tăng lãi suất trong thời điểm hiện tại để “phòng thủ” trước sức ép lạm phát và đồn đoán lạm phát cao.
Một thành viên khác cũng đồng tình với quan điểm trên, nói rằng lộ trình thắt chặt tiền tệ hiện nay nên được duy trì miễn là sự ổn định tài chính không bị suy giảm.
Thành viên này cho hay từ này đến cuối năm vẫn còn hai cuộc họp thảo luận về chính sách tiền tệ, do đó cần đảm bảo giữ vững lập trường tăng lãi suất, trừ phi có yếu tố bất ngờ lớn xuất hiện.
Giá tiêu dùng của Hàn Quốc, một chỉ dấu chính về lạm phát, đã tăng 5,7% trong tháng 8/2022, sau khi tăng 6,3% trong tháng trước, mức cao nhất trong khoảng 24 năm.
Khả năng chênh lệch lãi suất ở Hàn Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng cũng được coi là nguyên nhân gây ra lo ngại tại thời điểm Fed đang mạnh tay tăng chi phí đi vay, khiến lãi suất ở Mỹ cao hơn ở Hàn Quốc.
Các nhà quan sát thị trường hiện đang dự đoán Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tuần tới sau mức tăng tương tự trong tháng Sáu và tháng 7/2022.
Có lo ngại ngày càng tăng rằng lãi suất cao hơn ở Mỹ có thể thúc đẩy dòng vốn chảy khỏi thị trường Hàn Quốc, để tìm tới nơi có lợi nhuận tốt hơn.