Nuôi cho đẻ, huấn luyện sếu để thả ra hoang dã ở Thái Lan - Ảnh: AP News
Ông Nguyễn Văn Lâm - giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim - cho biết về lần đầu tiên Đồng Tháp có dự án nuôi sếu đầu đỏ: "Còn rất nhiều việc cần làm, thủ tục hiện chưa xong, hiện tỉnh đang trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Nguyễn Phước Thiện - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết thêm khi đem sếu từ nước ngoài về, tỉnh phải nhờ thêm các chuyên gia am hiểu về sếu để thuần dưỡng, chăm sóc.
“Còn việc phát triển như thế nào và sinh sản được hay không, cần có thêm thời gian để đánh giá thêm. Tuy nhiên đây cũng là hướng mới đáng để kỳ vọng", ông Thiện nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia đánh giá độc lập, sinh thái môi trường ĐBSCL, đàn sếu di chuyển theo mùa giữa các vùng sinh cảnh ở Campuchia và Việt Nam và phụ thuộc vào tất cả các vùng này. Nếu một trong các nơi này môi trường bị hủy hoại thì như sợi dây xích bị đứt một mắt.
"Riêng tại vườn quốc gia Tràm Chim, trong một thời gian dài giữ nước cao quanh năm để chống cháy rừng thì môi trường cho sếu không còn. Tuy nhiên có một khoảng thời gian từ năm 2009-2011 mực nước được duy trì đúng trong mùa khô, đồng cỏ đã phục hồi nhanh chóng từ 800ha lên 2.700 ha, sếu đã trở về được 84, 85, và 94 con, so với 48 con năm 2001.
Còn việc ấp nở trứng sếu cần kinh phí rất cao hàng mấy triệu đô, cần nguồn tài trợ và có các chuyên gia nước ngoài từ Thái Lan, Mỹ đào tạo người để huấn luyện đàn sếu mới có thể thực hiện được", ông Thiện cho biết.
Được biết trước đây loài chim này thường sinh nở ở Campuchia sau đó di cư về Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Vườn quốc gia Tràm chim rộng hơn 7.500ha, khu Ramsar (khu đất ngập nước) thứ 2.000 thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây đã ghi nhận nhiều sếu - động vật nằm trong sách đỏ cần bảo tồn nhất Đông Nam Á, có lúc hơn nghìn con vào những năm 1990.
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, số lượng sếu về Tràm Chim giảm mạnh. Theo thống kê, những năm 2014-2016 có 14-23 con về mỗi năm. Năm 2017 chỉ có 3 con. Năm 2018 có 9 con và năm sau đó là 11 con về vườn. Năm 2020 không có con sếu nào về.