Những năm gần đây, lĩnh vực AI của Trung Quốc gặt hái được nhiều thành công. Volcengine, dịch vụ đám mây dành cho doanh nghiệp của ByteDance, đã rút ngắn thời gian đào tạo cho mô hình nhận dạng hình ảnh dựa trên AI từ năm ngày xuống còn ba ngày. Sinian, nền tảng điện toán của Alibaba Cloud, đánh bại kỷ lục do Google thiết lập bằng khả năng nhận dạng 1,078 triệu hình ảnh mỗi giây khi ngoại tuyến. NF5488A5 của nhà sản xuất máy chủ lớn nhất Trung Quốc Inspur được đánh giá là sản phẩm AI đẳng cấp thế giới về xử lý hình ảnh y tế, nhận dạng giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Những thành tựu kể trên có sự đóng góp lớn của chip xử lý đồ họa do Nvidia cung cấp. Công ty có trụ sở ở Santa Clara (Mỹ) có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của AI tại Trung Quốc, nhất là ở lĩnh vực phân tích dữ liệu và cung cấp sức mạnh tính toán.
Tham vọng AI bị ảnh hưởng
Việc Nvidia và AMD bị yêu cầu ngừng xuất khẩu chip AI hàng đầu sang Trung Quốc được đánh giá như cú đánh mạnh vào tham vọng AI của Bắc Kinh. Với Nvidia, họ không thể cung cấp A100 và H100 nếu không có giấy phép, khiến các lĩnh vực như điện toán đám mây, xe thông minh ở Trung Quốc gặp khó bởi không thể có các sản phẩm thay thế lập tức.
Chip của Nvidia hiện có trong các mô hình đào tạo AI cho xe tự lái, phân tích ngữ nghĩa, nhận dạng hình ảnh, cảm biến thời tiết và phân tích dữ liệu lớn. Theo SCMP, khó có thể đánh giá được mức độ đầy đủ mà lệnh cấm tác động đến ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng hầu hết giới chuyên gia cho rằng vấn đề rất nghiêm trọng.
Theo Reuters, Mỹ cũng đang lên kế hoạch mở rộng lệnh hạn chế cung cấp chip dùng trong AI cho Trung Quốc vào tháng sau. Đối mặt với lệnh cấm mới, một số công ty GPU Trung Quốc hy vọng có thể tự sản xuất sản phẩm riêng, mang lại cơ hội giành được hợp đồng từ các khách hàng cũ của Nvidia. Dù vậy, không khó để nhận thấy các tác động trước mắt do lệnh cấm gây ra.
"Tất cả khách hàng Trung Quốc sẽ bắt đầu dự trữ các chip bị ảnh hưởng trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực", một giám đốc bán hàng của nhà phân phối thiết bị viễn thông và dịch vụ đám mây lớn thứ hai Trung Quốc VSTECS Holdings, nhận xét. Dự kiến, Nvidia chỉ có thể xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc trước tháng 9/2023.
"Hầu hết nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở Trung Quốc sử dụng chip Nvidia trong các hệ thống cần GPU. Nếu phần cứng này bị hạn chế, các dịch vụ đám mây dựa trên GPU sẽ bị thiếu hụt. Điều đó tác động rất lớn đến thị trường tổng thể", vị giám đốc này cho biết thêm.
Thực tế, các nhà cung cấp đám mây của Trung Quốc như Alibaba Cloud của Alibaba, Tencent Cloud của Tencent, Baidu Cloud của Baidu vẫn sử dụng một số chip của AMD hoặc Intel. Tuy nhiên, A100 và H100 của Nvidia được ưa chuộng hơn nhờ khả năng xử lý các luồng tính toán song song với khối lượng dữ liệu khổng lồ. So với các CPU có số lượng lõi xử lý hạn chế của Intel và AMD, GPU của Nvidia sử dụng hàng nghìn lõi, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các mô hình AI học máy và học sâu.
Trung Quốc hiện được ví là cường quốc AI. Thống kê cho thấy, tính đến giữa năm nay, nước này có gần một triệu doanh nghiệp tuyên bố có liên quan đến AI. "Đây là một thị trường rất lớn", CEO Nvidia Jensen Huang nhận xét hồi giữa năm.
Theo một số chuyên gia, các công ty có thể kết hợp nhiều CPU lại với nhau để tăng khả năng xử lý AI. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, GPU tỏ ra vượt trội và là lý do nó được ưa chuộng. Cả Alibaba Cloud và Baidu Cloud đều kết hợp chip A100 vào phần lớn cơ sở hạ tầng đám mây nhằm cung cấp sức mạnh cho các dịch vụ đám mây dựa trên GPU. Một số viện nghiên cứu chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc cũng sử dụng chip này, như Đại học Thanh Hoa và Viện Công nghệ Máy tính tại Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS).
Khó khăn đợi sẵn
Trong trường hợp bị cấm hoàn toàn, các công ty Trung Quốc có thể chọn giải pháp thay thế. Tuy nhiên, ông Huang cho rằng những sản phẩm này có thể làm cho mọi thứ trở nên tệ hơn khi phải xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.
Theo một quản lý khác của Nvidia phụ trách thị trường Trung Quốc, các công ty có thể phải dành nhiều thời gian hơn để đào tạo mô hình trí tuệ nhân tạo, do đó có thể làm chậm tiến độ phát triển trong tham vọng AI của Trung Quốc.
Lu Jianping, Giám đốc công nghệ của Iluvator - một trong những công ty sản xuất GPU hàng đầu Trung Quốc, thừa nhận công nghệ GPU trong nước kém xa so với các sản phẩm tới từ Mỹ như Nvidia. "Nhà sản xuất GPU nội địa Trung Quốc chưa thể sánh với Nvidia ở bất kỳ sản phẩm tương đương nào", Jianping nói với Economic Observer đầu tuần trước.
Ở chiều ngược lại, không ít người tin lệnh cấm có thể thúc đẩy nhanh sự phát triển GPU ở nước này - một trong những chiến lược tự chủ công nghệ mà Bắc Kinh đưa ra nhiều năm qua. Zhang Wen, người sáng lập Biren Technology - công ty sản xuất GPU thành lập năm 2019 tại Thượng Hải, là người có niềm tin như vậy. Theo PitchBook, doanh nghiệp này đã huy động được 633 triệu USD trong 18 tháng đầu tiên, đồng thời ra mắt GPU BR100 tháng trước. "BR100 có thể vỡ kỷ lục thế giới về sức mạnh tính toán", Wen nhấn mạnh.
Wang Yu, một quản lý của quỹ tập trung vào chất bán dẫn và phần cứng Hengqin Financial Investment, cũng cho rằng lệnh cấm của Mỹ mở ra cơ hội tự chủ cho Trung Quốc. Dù vậy, đây vẫn là "rủi ro lớn cần xem xét kỹ lưỡng".
"Các công ty khởi nghiệp GPU Trung Quốc không phải là đối thủ của Nvidia và AMD. Ngay cả chính họ cũng đang phải vật lộn để cạnh tranh lẫn nhau", Sravan Kundojjala, nhà phân tích cấp cao tại Strategy Analytics, nhận xét.
(theo SCMP)