“Trend” cắt lỗ ảo
Khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, thì hàng loạt thông tin rao bán cắt lỗ xuất hiện. Khảo sát tại một số trang chuyên mua bán nhà đất ở Hà Nội, một số lô đất nền nhỏ lẻ tại các huyện ven trung tâm và các địa phương lân cận Hà Nội được chính chủ rao cắt lỗ tới 200-500 triệu đồng.
Đơn cử, thông tin một lô đất đấu giá (diện tích 60.75m2) tại Sơn Du - Nguyên Khê với mác “chính chủ” đang được rao bán cắt lỗ có giá 53.5 triệu/m2. Song, cũng tại khu vực trên, một số lô đất tương tự khác, thậm chí có lô góc 2 mặt thoáng cũng đang được các môi giới chào bán có mức giá chỉ từ 50 triệu – 53 triệu/m2.
Tại các địa phương lân cận Hà Nội, nhiều thông tin đất nền được chính chủ rao cắt lỗ tới 200-500 triệu đồng
Tương tự, một lô đất tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có diện tích 60m2 đang được rao bán cắt lỗ tới 200 triệu đồng có giá 3,5 tỷ đồng, tương đương gần 57 triệu đồng/m2. Theo lời người bán, mảnh đất này được mua cuối năm 2021. Do gia đình đang cần tiền gấp nên anh chấp nhận bán cắt lỗ để thu hồi vốn lo liệu công việc.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế giá đất ở khu vực này với vị trí tương đương chỉ đang dao động khoảng 45-50 triệu đồng/m2. Tương đương mức giá cắt lỗ trên, người mua có thể lựa chọn được một số lô đất nền hai mặt tiền hoặc gần đường ô tô, giao thông thuận tiện.
Chị Phan Thanh Hoàn – một nhà đầu tư cho hay, cuối tuần vừa qua, tôi theo chân người bạn tôi lên Hòa Lạc “săn” đất vỡ nợ bán cắt lỗ. Sau khi khảo sát 4 -5 lô đất, chúng tôi không thể mua nổi vì giá quá cao, từ 30 – 35 triệu/m2.
“Cắt lỗ hay vỡ nợ cần bán gấp chỉ là chiêu trò dụ khách của mấy người môi giới. Thực tế giá đất nơi đây không hề thấp hơn so với khu vực lân cận nội thành” – chị Hoàn nói.
Trong khi đó, anh Trần Văn Giang, một nhà đầu tư có gần 10 năm lăn lộn trên thị trường, cảnh báo hiện đang có tình trạng “cắt lỗ ảo”. Cụ thể, nhiều người đang cố tình theo “trend” cắt lỗ để bán hàng, rao bán chịu lỗ 10 - 20%, nhưng thực chất giá vẫn trên trời so với mặt bằng thị trường. Nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi xuống tiền mua.
Giá đất vẫn “bỏng tay”, giao dịch ảm đạm
Ở các điểm nóng lân cận các vùng quy hoạch như vành đai 4 hoặc các khu công nghiệp, giá đất nền hiện vẫn được chào bán khá cao, nhưng giao dịch giảm hơn nhiều so với thời điểm đầu năm.
Anh Minh, chủ một văn phòng môi giới ở Đan Phượng, cho biết các thông tin mới từ dự án đường Vành đai 4 cùng việc dự án khu công nghiệp sạch Sóc Sơn sắp triển khai, đang khiến thị trường đất nền khu vực nóng lên. Mỗi ngày văn phòng của anh đón từ 10 - 15 lượt khách lên xem đất.
Giá đất tăng cao nhưng giao dịch giảm
Tuy nhiên, tại các khu vực nơi có quy hoạch Vành đai 4 đi qua ở huyện Hoài Đức giá đất đã lên rất cao, đến hơn 100 triệu/m2; tại huyện Đan Phượng có nơi giá trên 60 triệu đồng/m2, do đó thanh khoản rất thấp.
Thực tế, giá đất nền liên tục tăng trong khi thanh khoản sụt giảm khiến nhiều sản phẩm bất động sản vùng ven rơi vào cảnh “mua dễ bán khó”, đẩy nhà đầu tư vào thế khó, khó có giao dịch thành công.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định khi tham gia thị trường bất động sản thời điểm này, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc phòng vệ. Đặc biệt, chỉ rót tiền khi biết rõ sản phẩm đó có tính thanh khoản tốt, kiểm soát được các rủi ro về pháp lý, quy hoạch, dòng tiền và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính để tránh bị “chôn vốn” do mua dễ, bán khó.
Tương tự, theo ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Thanh cho rằng, lạm phát còn cao nên việc bắt đáy bất động sản vẫn còn hơi sớm. Do vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với những quảng cáo bán cắt lỗ và theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa để xuống tiền thì cơ hội sẽ tốt hơn.