Trong khi nhiều nơi rừng bị “lâm tặc” tàn phá không thương tiếc, rừng lim với những thân cây hai người ôm không xuể vẫn án ngữ trên đồi Cồn Lim, nhờ công sức hàng chục năm của ông Trương Quốc Đô, người được lực lượng kiểm lâm miền biên viễn Quảng Bình ví như “mãnh hổ”.
Năm nay 72 tuổi, ông Trương Quốc Đô chỉ mong muốn có sức khỏe để bảo vệ cánh rừng Cồn Lim cho thế hệ mai sau
Đau đáu nỗi lo mất rừng
Rừng Cồn Lim đúng như tên gọi của nó, bởi toàn bộ khu vực này đều phát triển rất nhiều cây lim quý hiếm.
Theo những người già lớn tuổi nhất ở làng Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, họ lớn lên rừng lim đã có. Rừng lim nuôi dưỡng nhiều thế hệ và che chở người làng suốt những năm chiến tranh đến ngày nay.
Giờ khi nhắc đến rừng Cồn Lim, người dân và cả lực lượng kiểm lâm vẫn luôn nhắc tới ông Trương Quốc Đô (72 tuổi, trú làng Yên Thọ, xã Tân Hóa), người suốt hơn 30 năm qua một mình sống giữa chốn “rừng thiêng nước độc” để canh giữ cánh rừng lim quý hiếm còn sót lại ít ỏi trước sự nhòm ngó của “lâm tặc”.
Chúng tôi gặp ông Trương Quốc Đô bên cánh rừng Cồn Lim vào một buổi trưa ngày đầu tháng 9.
Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông vẫn được người dân địa phương, lực lượng kiểm lâm ví như “mãnh hổ” giữa đại ngàn Trường Sơn để canh giữ khu rừng Cồn Lim với những gốc lim lên đến hàng trăm năm tuổi.
Một cán bộ kiểm lâm kể, khi nhắc đến tên ông, cánh lâm tặc rất ngán ngại. Đã nhiều lần, các đối tượng sừng sỏ, có máu mặt đã bị ông đánh đuổi, phải vứt cả cưa máy, cưa xăng ở rừng già để thoát thân.
Trò chuyện với PV ở chính căn nhà dựng sơ sài bằng tre nứa nằm ngay sát mép khu rừng Cồn Lim, ông Đô đưa mắt nhìn xa xăm, tâm sự: “Ngày xưa đi đâu cũng gặp rừng, đi đâu cũng gặp đinh, lim, sến, táu, bốn loại gỗ quý hiếm.
Nhưng rồi theo thời gian, gỗ rừng bị chặt phá dần, tôi thấy xót xa, đau đớn bởi trong huyết quản, tôi xem rừng như máu thịt của mình”.
Nhìn những cánh rừng cổ thụ dần dần biến mất, ông Đô chợt lo lắng: Liệu đến một ngày nào đó, khu rừng Cồn Lim sẽ chịu chung số phận với những cánh rừng khác đã bị lâm tặc đốn hạ?
Nhưng rồi sự lo lắng, bất an của ông cũng vơi đi. Vào năm 1993, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, ông Đô và gia đình tình nguyện nhận ngay 17ha rừng để giữ, chăm sóc.
Để lại công việc đồng áng cho vợ con, hàng ngày ông lên rừng, dựng tạm căn lều ăn ngủ với cây, tuần tra, canh gác trên khu rừng Cồn Lim.
Từ đó, nhiều cây lim cổ thụ quý hiếm với tuổi đời trên trăm năm, đường kính to khoảng từ 0,5 - 1m, trị giá cả tỷ đồng được ông gìn giữ, trông coi như là “báu vật”.
Đối mặt hiểm nguy vẫn không bỏ cuộc
Cha con ông Đô bên những gốc lim quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm
Để có được rừng lim có giá trị như ngày hôm nay, ông và các thành viên trong gia đình đã phải chịu nhiều phen khổ cực, thậm chí an nguy đến tính mạng.
Nhấp bát nước chè xanh, ông chậm rãi kể: “Vào năm 2016, khi vừa từ rừng về nhà để ăn cơm, tôi nghe văng vẳng tiếng cưa máy trong rừng xa vọng về.
Chưa kịp bưng bát cơm ăn, tôi vội vàng lao vào rừng theo tiếng cưa máy phát ra. Đến nơi, phát hiện một nhóm lâm tặc gồm 3 người đang dùng máy cưa và các phương tiện khác chuẩn bị hạ một cây lim cổ thụ”.
Lập tức, ông lao vào ôm lấy thân cây, nhóm lâm tặc xúm vào lôi ông ra. Chúng đánh ông, ông gào lên như mãnh hổ bị tổn thương, rồi ông dùng cây rừng đánh lại.
Đợt đó, chúng đánh ông đến ngất xỉu, rồi bỏ đi. Mấy đứa con của ông thấy bố lên rừng lâu không quay lại ăn cơm nên đi tìm và phát hiện, đưa ông về.
Sở hữu rừng Lim có giá trị lớn, nhiều đầu nậu đã tìm đến nhà ông Đô để hỏi mua nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhiều người hỏi mua không được thì nhăm nhe, dọa chặt trộm.
Nhiều năm qua, lâm tặc thâm nhập rừng không kể xiết khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả để bảo vệ rừng.
Cứ mỗi lần nghe tiếng máy cưa, thì dù đang làm việc gì, ông cũng tức tốc vào rừng kiểm tra.
Ông Đô cũng không nhớ biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy giữa chốn “rừng thiêng nước độc”.
Có nhiều lần ông bị rắn độc cắn nguy hiểm đến cả tính mạng, phải nghỉ ở nhà cả tháng trời nhưng ông vẫn không bao giờ bỏ cuộc.
Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng của ông Đô ngày càng phát triển tươi tốt.
Trong rừng có hàng trăm cây lim vươn cao lên bầu trời, hàng ngàn cây nhỏ khác cũng đang vươn mình lớn dậy.
Ngoài lim, trong rừng ông Đô còn có rất nhiều loại cây gỗ quý khác như: Cây đỏ lòng, ngát, trám có kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Nói về ông Đô giữ rừng lim, ông Đinh Minh Lực, Trưởng thôn 4, xã Tân Hóa chia sẻ: “Nhờ có ông Đô canh giữ nên khu rừng lim ở xã Tân Hóa mới được như bây giờ.
Hiện trong khu rừng nơi ông canh giữ có những gốc to bằng phi nước, có thể nói là quý hiếm, “độc nhất vô nhị”.
Ở thôn 4 cũng có nhiều hộ nhân trông giữ rừng, nhưng để có khu rừng lim như của gia đình ông Đô thì không có”.
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết: “Người dân địa phương thấy ông Đô tự nguyện bảo vệ rừng, rồi nhiều lần bất chấp nguy hiểm xả thân với cánh lâm tặc để bảo vệ từng gốc cây giữa đại ngàn Trường Sơn, người ta ví von ông như “mãnh hổ” vậy.
Nhờ sự dũng cảm và sự bảo vệ nghiêm ngặt của ông nên cánh rừng mới tránh được sự nhòm ngó của lâm tặc suốt bao năm qua”.
Ông Trương Thành Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cũng cho biết: “Ông Đô là tấm gương sáng điển hình trong công tác bảo vệ và phòng, chống cháy rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn, truyền cảm hứng cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng”.
Ông Đô có 9 người con trai, nhưng hầu hết đều tìm cho mình công việc riêng, thi thoảng rảnh rỗi mới giúp ông phát quang bụi rậm, chăm sóc rừng lim.
Bởi theo ông Đô, việc chăm sóc bảo vệ rừng thì thù lao không đáng kể, các con ông phải tìm việc làm khác để nuôi sống gia đình cũng là lẽ đương nhiên.
Cũng vì thế mà ông luôn đau đáu một điều, mai này khi trăm tuổi, các con ông liệu có còn tâm huyết để giữ rừng lim nữa hay không?...