Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết trong quý II/2022, cho vay khách hàng của Techcombank tăng 12,8% so với đầu năm, tương ứng với mức tăng so với cuối quý I là 7,1%.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cấp thêm hạn mức tín dụng mới, ngân hàng đã giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỷ cuối quý I/2022 xuống còn 49.300 tỷ cuối quý II để có hạn mức tín dụng cho vay khách hàng.
Cũng theo BVSC, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 bản số 5 được phác thảo theo hướng siết chặt hơn các quy định về công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Với các quy định hết sức chặt chẽ có thể gây ảnh hưởng lên khả năng tái cơ cấu trái phiếu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá nhiều khả năng Chính phủ sẽ điều chỉnh sửa đổi Nghị định 153 theo hướng nới lỏng hơn các quy định ở cả nhà phát hành cũng như nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ để phát triển cũng như ổn định thị trường vốn.
Trong trường hợp bản sửa đổi chính thức theo hướng nơi lỏng nhiều hơn so với bản số 5 và tạo điều kiện ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì ngành ngân hàng nhiều khả năng sẽ không chịu ảnh hưởng trọng yếu từ việc sửa đổi Nghị định này như lo ngại trước đây.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tăng 11% so với quý I lên mức 172%. Tỷ lệ nợ tái cơ cấu giảm 0,3 điểm % về mức 0,1% trên tổng dư nợ cho vay, tương ứng với giá trị nợ tái cơ cấu là 500 tỷ đồng.
Với mức giảm tương đối mạnh của nợ tái cơ cấu thì Techcombank được hoàn nhập lại khoản trích lập dự phòng của những món nợ tái cơ cấu này. Tuy nhiên chi phí dự phòng trong quý II vẫn cao hơn khá nhiều so với quý I. Nhóm phân tích cho rằng nhiều khả năng Techcombank đã đẩy mạnh thực hiện trích lập dự phòng để tạo ra bộ đệm tốt hơn cho thời gian tới.
NIM thu hẹp trong quý II
Trong quý II, NIM của Techcombank đạt mức 5,3%, giảm 0,48 điểm % so với quý liền kề và 0,5 điểm % so với cùng kỳ. Nhóm phân tích cho rằng sự sụt giảm của NIM chủ yếu đến từ lợi suất sinh lời trên tài sản giảm do sự sụt giảm ở cả hai nhân tố chính là lợi suất cho vay và lợi suất trái phiếu.
Theo đó, lợi suất cho vay giảm có thể đến từ việc giá trị khoản cho vay mua nhà tăng nhanh trong khi đó lãi suất những năm đầu thường thấp do ưu đãi. Lợi suất trái phiếu suy giảm có thể bắt nguồn từ việc Techcombank đã giảm bớt nắm giữ những trái phiếu có lợi suất cao nhưng có rủi ro cao hơn.
Mặc dù Techcombank đã có sự điều chỉnh gia tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn trong bối cạnh lạm phát kỳ vọng tăng cũng như các ngân hàng đối thủ gia tăng lãi suất, chi phí vốn của Techcombank chỉ tăng nhẹ 0,07 điểm % so với liền kề và 0,03 điểm so với cùng kỳ.
Có một số quan ngại khi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng giảm 2,9% so với quý I xuống còn 47,5% cuối quý II tuy nhiên BVSC cho rằng việc suy giảm CASA này chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh hết hạn mức tín dụng ở hầu hết các ngân hàng thì khách hàng có nhu cầu sử dụng lượng tiền mặt sẵn có cũng như gia tăng cho vay mượn lẫn nhau để tối ưu hiệu quả.