Doanh nghiệp

Bulog bị cáo buộc thổi giá gạo, liên quan gì đến Tân Long Group?

TIN MỚI


Các doanh nghiệp trong giới kinh doanh gạo trong nước đang xôn xao về việc tờ VOI (Indonesia) ngày 4/7 đưa tin về việc Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) và Cơ quan Hậu cần Công cộng (Perum Bulog) đã bị cáo buộc về tội thổi phồng giá, tăng giá gạo nhập khẩu và giữ gạo tại Cảng Tanjung Priok.

Trong đó, Giám đốc Chuỗi cung ứng và Dịch vụ công Perum Bulog Mokhamad Suyamto cho biết, cáo buộc tăng giá bắt đầu xuất hiện khi một công ty Việt Nam là Tập đoàn Tân Long chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD/tấn theo phương thức FOB.

“Công ty Tân Long Việt Nam được cho là đã chào gạo nhưng thực tế chưa hề đưa ra giá chào kể từ khi mở đấu thầu năm 2024. Vì vậy, không có ràng buộc gì với các hợp đồng nhập khẩu với chúng tôi trong năm nay”, nguồn tin trích dẫn lời của ông Suyamto.

Ông Suyamto cũng cho biết, Perum Bulog hiện được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ nhập khẩu gạo với khối lượng 3,6 triệu tấn vào năm 2024. Trong giai đoạn từ tháng 1- 5/2024, số lượng nhập khẩu đã lên tới 2,2 triệu tấn.

Bulog bị cáo buộc thổi giá gạo, liên quan gì đến Tân Long Group?- Ảnh 1.

Liên quan tới thông tin trên, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long (TLG) cho biết: “Trong lịch sử mở thầu gạo của Bulog, và từ năm 2023 đến nay, chúng tôi chỉ trúng duy nhất một lô 30.000 tấn gạo thông qua Posco (Hàn Quốc), và không trúng trực tiếp bất cứ lô hàng nào của Bulog.

Gói thầu 30.000 tấn này TLG trúng với mức giá 620 USD/tấn. Thời điểm trúng thầu vào tầm tháng 1 (trước Tết), giao hàng từ 25/2-15/3. Nhưng thực tế qua tháng 4 mới giao hàng do phía Bulog yêu cầu rời lịch, lý do vì phía bên cảng Indonesia bị ùn tắc không dỡ hàng kịp. Sau khi giao hàng xong, tính ra lô này Tân Long có hiệu quả tốt”, ông Bá nói.

Chủ tịch HĐQT Tân Long Group thông tin thêm, trong tháng 6 này Bulog chưa mở thầu mua thêm gạo, một phần quan trọng là vì họ kỳ vọng khi vào chính vụ Hè Thu ở đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo sẽ giảm tiếp, và phần khác là do cảng của họ ùn tắc nhiều chưa dỡ kịp các lô hàng đi trong tháng 4, 5 nên phát sinh nhiều chi phí phạt tàu.

Nhắc tới gói thầu đợt 22/5 do Bulog thông báo Lộc Trời cùng công ty thành viên trúng thầu 100.000 tấn gạo, ông Bá cho biết, tại gói thầu này, Tân Long chào giá cao hơn 15 USD/tấn, nên không trúng thầu.

“Ngày 19/5, ông Andi Amran Sulaiman, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia qua thăm Việt Nam, sau đó có đến thăm nhà máy gạo của TLG ở Cần Thơ, và nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang, lúc đó chúng tôi có bàn chào bán 100 tấn gạo, giá 538 USD/tấn, giá FOB. Tuy nhiên, khi so sánh với giá của Lộc Trời họ thấy giá của TLG chào cao hơn nên chúng tôi không trúng.

Hiện nay, loại hàng đi Indonesia trên thị trường đang dao động quanh mức 525 USD/tấn, nếu đợt đó chúng tôi bán được thì bây giờ lãi 13 USD/tấn… Nhưng do Indonesia mua gạo thông qua thầu Bulog và mua giá CNF chứ không mua giá FOB, và giá CNF thì các doanh nghiệp Lộc Trời, Thuận Minh, Quang Phát trúng quanh mức 568 USD/tấn, quy giá FOB khoảng 530 USD/tấn, thấp hơn chúng tôi chào giá 538 USD/tấn, giá FOB từ 5-8 USD/tấn”, ông Bá cho biết.

Theo ông Bá, giá các doanh nghiệp trúng đợt thầu đó, đến nay họ mua xuất đi vẫn có hiệu quả. Quan trọng là nếu đợt đó Việt Nam không trúng thầu thì nay giá gạo trong nước sẽ tụt dốc không phanh, chính nhờ có các gói thầu này nên bây giờ thị trường mới có sức mua vào.

Ước tính từ đầu năm tới hết ngày 25/6/2024, Việt Nam đã thông quan 4,383 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ tăng 6,53%. Trong đó, xuất đi một số thị trường chính như: Philippines là 1,915 triệu tấn, Indonesia 698 nghìn tấn, châu Phi là 484 nghìn tấn, Malaysia 434 nghìn tấn, …

Nếu tính cả lượng thầu vừa rồi trúng (đang giao và chưa giao), tính từ đầu năm đến nay tổng khối lượng gạo Việt Nam trúng thầu Bulog vào khoảng 800 nghìn tấn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm