Tại hội trường Quốc hội chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá 2023 là một năm rất khó khăn, giá nguyên vật liệu nhập khẩu dự kiến tăng gần 11%, giá nguyên vật liệu trong nước tăng 6%, xăng dầu khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng, tỷ giá đồng USD lên cao, room tín dụng thắt chặt, thị trường vốn cho doanh nghiệp rất khó khăn.
Và đặc biệt, lạm phát và lãi suất tại các quốc gia trên thế giới trong đó có các nền kinh tế lớn có thể tăng rất cao. Điều này tác động mạnh mẽ đến chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam.
Chi phí đẩy tăng cao mà nhu cầu giảm xuống, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều khả năng sẽ gặp nhiều thách thức.
"Để đảm bảo thận trọng và chủ động, chắc chắn trong điều hành ngân sách, dự toán ngân sách năm 2023 đặt ra là gần 1,63 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa hơn 1,33 triệu tỷ (chiếm 82,3% tổng thu ngân sách); thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng (chiếm 2,6%); thu cân đối xuất nhập khẩu 239.000 tỷ đồng (chiếm 14,7%) và thu viện trợ 5.500 tỷ đồng. Dù vậy, dự toán ngân sách vẫn đặt ra mục tiêu thu nội địa vượt khoảng 8% so với năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên nhân khiến Bộ Tài chính đặt dự toán ngân sách thận trọng là ngay kể cả năm nay, dự toán ước tính vượt thu hơn 200.000 tỷ đồng nhưng tình hình thu nội địa của 12 tỉnh vẫn có khả năng vẫn không đạt dự toán.
Bên cạnh đó, càng vào cuối năm, thu ngân sách có dấu hiệu giảm tốc. Bộ trưởng nêu con số thu thuế tháng 8 giảm 27.500 tỷ đồng, tháng 9 giảm 26.100 tỷ đồng. Với xuất nhập khẩu, tháng 7 giảm 4.200 tỷ đồng, tháng 8 giảm 432 tỷ đồng và tháng 9 giảm 2.357 tỷ đồng.
Trước vấn đề đại biểu đặt ra là bội chi thấp quá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện bội chi ở mức 2,89% GDP là mức bình thường cùng với gói phục hồi hỗ trợ kinh tế của sang năm ở khoảng 1,53% thì bội chi sẽ đạt 4,42% tức là 455.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng đánh giá, so với năm 2021, mức bội chi này là hợp lý, tình hình giải ngân thì khó nên ngân sách đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước đạt gần 900.000 tỷ đồng. Trong đó, gói gửi không kỳ hạn với số tiền 600.000 tỷ và có kỳ hạn 290.000 tỷ.
"Nếu nâng bội chi lên cao, tức là phải đi vay mà trong giai đoạn này đi vay hiệu quả sẽ không cao", Bộ trưởng nói.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Phớc cho biết, trước đây, việc phát hành trái phiếu rất đơn giản theo nguyên tắc "tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm".
Vậy nên, hiện nay dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1.204 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. Theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, mục tiêu đến năm 2030 đạt 25% GDP.
Bộ trưởng cũng thông tin, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chủ yếu là ngân hàng chiếm 46%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 37,5% còn lại là các doanh nghiệp khác.
Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng là tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.