Mẹ chị bị tăng huyết áp, đái tháo đường, từng đột quỵ nhẹ, thường xuyên phải đi khám. Đối với Lan, đi viện là "trải nghiệm kinh hoàng" vì mất nhiều giờ chờ đợi. Sau khi khám, mẹ chị thường quên uống thuốc theo chỉ định, thậm chí nhiều lần bỏ vì lo "hại gan thận".
Thấy không hiệu quả, Lan, ở Hà Nội, lên mạng tìm mua thuốc bổ để mẹ "yên tâm uống", ưu tiên hàng xách tay có nhiều lượt bán, "giá nào cũng chịu". Người bán giới thiệu sản phẩm nhập từ Nhật Bản giá 950.000 đồng, cam kết giảm đau đầu, mệt mỏi, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Sau uống hai hộp, mẹ chị mệt nhiều hơn, chán ăn, mất ngủ. Kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện huyết áp tăng cao bất thường kèm rối loạn tiền đình nặng, nghi ngờ thuốc bổ bị làm giả vì không có hóa đơn đối chiếu nguồn gốc sản phẩm.
Tương tự, ông Nam, 58 tuổi, ở Nghệ An, bị gout hai năm, tìm "bác sĩ qua mạng" để mua thuốc. Ông được giới thiệu thuốc chữa gout xách tay từ Đức, giá 2 triệu đồng/hộp, cam kết "uống thuốc khỏi bệnh không cần kiêng cữ".
"Thực phẩm chức năng lúc nào cũng đắt hơn thuốc ở viện, nhưng uống vào tâm lý yên tâm, đắt sắt ra miếng", ông Nam nói. Sau một hộp, ông cảm thấy ăn ngon, ngủ ngon nên mua tiếp. Tuy nhiên, cục tophi ở chân ngày càng to, đau nhức. Bác sĩ cho biết "thuốc" ông uống chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN) chứa corticoid giúp giảm đau tạm thời, không điều trị được gout.

Chỉ vài giây tìm kiếm, hàng loạt thuốc bổ não với nhiều mức giá, bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử khác nhau, rất khó xác định nguồn gốc. Ảnh chụp màn hình
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết TPCN là thực phẩm hỗ trợ chức năng cơ thể, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật, do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) quản lý, còn thuốc thuộc Cục Quản lý Dược, chứa dược chất hoặc dược liệu, được sử dụng để phòng, chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Thuốc phải trải qua thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt, trong khi TPCN chỉ cần đăng ký hoặc tự công bố sản phẩm, tập trung vào an toàn thành phần hơn là hiệu quả điều trị.
"Tuy nhiên, nhiều người bệnh thần thánh hóa lợi ích của TPCN, xem đây là thuốc uống với niềm tin sẽ khỏi bệnh, khiến bệnh nặng thêm, thậm chí mất cơ hội điều trị ", bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, phần lớn người dân mua thực phẩm chức năng theo tâm lý đám đông, hoặc nghe theo người nổi tiếng, thay vì thực sự lắng nghe chỉ định y khoa. Hiện, chi phí cho thực phẩm chức năng là gánh nặng cho không ít gia đình. Tuy nhiên, hiệu quả lại chưa được minh chứng rõ ràng trên lâm sàng, còn hậu quả sức khỏe có thể kéo dài nhiều năm.
"Do đó, người dân không nên lầm tưởng công dụng của thuốc và thực phẩm chức năng, tránh sa bẫy quảng cáo dẫn đến mất tiền oan", bác sĩ nói.
Thực tế, sử dụng TPCN chứa chất cấm hoặc không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc, dị ứng, tổn thương nội tạng. Một số trường hợp phải nhập viện cấp cứu. Tin vào quảng cáo sai lệch, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người mắc bệnh nan y, trì hoãn điều trị y khoa, dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc tử vong. Tình trạng này còn gây tốn kém nguồn lực, xói mòn niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý.
Những năm qua, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) phát triển bùng nổ, có hơn 24.000 số đăng ký, vượt qua cả thuốc (22.000). Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng của thị trường TPCN tại Việt Nam khoảng 15% mỗi năm, phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của người dân đối với các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Tuy nhiên, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam ghi nhận tới 80% quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là "trá hình". Hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước, nhưng rất khó quản lý, giám sát tất cả. Đặc biệt, tình trạng TPCN sản xuất trái phép bằng "công nghệ xô, chậu", tức mua vỏ viên nang về, quậy trộn nguyên liệu rồi cho vào ngày càng nhiều. Trong khi đó, theo quy định, thực phẩm chức năng phải được sản xuất hoặc nhập khẩu trong dây chuyền đạt chuẩn GPM (thực hành sản xuất tốt) mới được lưu hành thị trường.
Năm 2023, Bộ Y tế xử phạt 28 cơ sở thực phẩm chức năng, tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Năm trước đó, hơn 40 cơ sở bị xử phạt hơn 2,76 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Gần đây, Bộ Y tế liên tục đưa cảnh báo tình trạng "thổi phồng" công dụng thực phẩm chức năng gây hiểu lầm, khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Chẳng hạn như viên kẹo Kera quảng cáo rằng "một viên có thể thay một đĩa rau", "sản phẩm có thể thay cho rau xanh trong bữa ăn". Tuy nhiên, trong bảng tự công bố hàm lượng của kẹo rau củ Kera không có chỉ tiêu về chất xơ, chỉ là "thực phẩm bổ sung".
Tại Thanh Hóa, công an phát hiện 21 loại thuốc tân dược, chữa xương khớp giả với khoảng 10 tấn thuốc giả và nguyên liệu bị làm giả, hồi đầu tháng 4. Nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc đều mua không rõ nguồn gốc xuất xứ. Năm ngoái, địa phương phát hiện đường dây bán thực phẩm chức năng giả, được quảng cáo hỗ trợ chống đột quỵ, trị giá 50 tỷ đồng.

Chị Lan mua thuốc bổ não qua mạng nhưng không đọc được thành phần, không có hóa đơn, nghĩ tên nước ngoài là hàng xách tay nên yên tâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cục An toàn thực phẩm cảnh báo người dân lưu ý chọn đúng khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe. Trong trường hợp có bệnh, cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Người dân cũng được khuyến cáo cảnh giác với các video "bác sĩ, lương y, bệnh nhân" tư vấn sản phẩm chữa bệnh, bởi nhân viên y tế không được phép quảng cáo mặt hàng này. Làm theo nội dung quảng cáo sai sự thật, người bệnh không đến bệnh viện khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi, tổn thất về kinh tế và tổn hại tới sức khỏe.
Bộ Y tế hướng dẫn người dân khi mua thực phẩm chức năng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Trên nhãn thực phẩm chức năng luôn ghi dòng chữ Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Sản phẩm ghi thông tin rõ ràng, đầy đủ về nhà sản xuất.
Người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.