Nhãn sữa được bác sĩ nổi tiếng quảng cáo có sản phẩm bị xác định là hàng giả
Liên quan đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, Bộ Công an ngày 23/4 cho biết đã xác định 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột) có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả (giả về chất lượng).
Danh sách 12 loại sữa dạng bột này có thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Gludiabet Talacmum và sản phẩm dinh dưỡng công thức Kid Baby Talacmum.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), là người đã tham gia quảng cáo nhãn sữa Talacmum của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood, trong đó có giới thiệu về 2 loại sữa này.
Trong các video, bác sĩ Hải đều mặc áo blouse trắng, nói rất chi tiết về nguyên liệu, thành phần, công dụng của sữa Talacmum.
Bà Hải cho biết sữa Talacmum bổ sung chiết xuất tổ yến cao cấp nhập khẩu từ Nhật Bản hay đông trùng hạ thảo. “Talacmum đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giá trị dinh dưỡng cao, dùng được cho cả trẻ em và người lớn, tăng cường thể lực, sức đề kháng cơ thể, phục hồi sức khỏe một cách tối ưu”, bác sĩ Hải nói.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an, dù sản phẩm công bố các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
![]() |
![]() |
![]() |
Trong quảng cáo cho sữa Gludiabet Talacmum, bác sĩ Hải cho biết sản phẩm "có những dưỡng chất đặc biệt dành cho người từ 18 tuổi trở lên mắc đái tháo đường".
Bà Hải giới thiệu, trong sản phẩm có đường isomalt không gây tăng đường huyết sau ăn, phù hợp bệnh nhân bị tiểu đường, người có tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, có nguy cơ mắc bệnh này.
Với sữa Kid Baby Talacmum, bác sĩ Hải cho biết phù hợp cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, đặc biệt với em bé sinh non, hệ miễn dịch kém, tiêu hóa yếu.
Bác sĩ, người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo sẽ bị phạt như thế nào?
Liên quan việc có rất nhiều người nổi tiếng, có uy tín như biên tập viên đài truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ... tham gia quảng cáo không đúng sự thật nhiều sản phẩm là thực phẩm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ.
Bộ Y tế cho biết, Nghị định 15/2018 cấm tuyệt đối việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm, trong đó có sản phẩm sữa.
Nhân viên y tế đã về hưu, nghỉ công tác, cũng không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng do gây hiểu lầm cho người dùng.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người vi phạm quy định trên đây có thể bị phạt hành chính số tiền từ 20 - 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 38/2021 hoặc xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (như: Tội "Quảng cáo gian dối", quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả”..., quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự; Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự...).
Bộ Y tế từng nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người dân cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh, cũng như cảnh báo hiện tượng người nổi tiếng sử dụng mạng xã hội để thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng.
Theo cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế, việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời, sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, tổn thất về kinh tế, tổn hại sức khỏe.

Khi sữa giả lọt qua đấu thầu, bệnh viện cũng là nạn nhân?
