Xã hội

Sống ở TP.HCM: Kỳ thú "xóm thi sĩ" ở quận 3

Tóm tắt:
  • Cụm đường mang tên thi sĩ ở quận 3, TP.HCM nổi bật với không gian yên bình và cây xanh.
  • Những con đường như Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng.
  • Các con đường thi sĩ không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện văn hóa dân tộc.
  • Không gian sống trong lành tại "xóm thi sĩ" là điểm thu hút cư dân và du khách.
  • Cụm đường thi sĩ là biểu tượng văn hóa độc đáo giữa lòng đô thị nhộn nhịp.

Quận 3 là nơi hội tụ nhiều con đường lớn được đặt tên theo tên của các thi sĩ nổi tiếng trong “làng thơ” Việt Nam. Trong đó phải kể đến: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Lê Quý Đôn, Lê Ngô Cát, Bà Huyện Thanh Quan…

Tại sao lại đặt tên đường theo tên thi sĩ?

Ở TP.HCM, người dân vốn quen thuộc với các con đường được đặt tên theo các nhân vật hay sự kiện lịch sử. Thú vị hơn, những con đường mang tên các sự kiện lịch sử gần gũi hay các nhân vật có mối liên hệ với nhau sẽ được sắp xếp thành từng cụm.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, cụm các con đường ở TP.HCM còn gắn liền với nền văn hóa, thi ca dân tộc. Từ đó trở thành một biểu tượng riêng, độc đáo ngay giữa lòng đô thị nhộn nhịp.

Sống ở TP.HCM: Kỳ thú “xóm thi sĩ” ở Q.3   - Ảnh 1.

Đường Bà Huyện Thanh Quan gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Chúng tôi bắt đầu hành trình từ đường Bà Huyện Thanh Quan, một con đường gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Theo tư liệu, con đường này vào thời Pháp chỉ có đoạn từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Hồ Xuân Hương. Lúc đó đường có tên là Rue Nouvelle (nghĩa là đường mới).

Ngày 26.4.1920, Tòa Đốc lý Sài Gòn đã đặt tên cho đường này là Pierre Flandin và nối dài cho đến vị trí hiện nay. Năm 1955, đường chính thức được đổi tên thành Bà Huyện Thanh Quan. Đây là một nữ thi sĩ nổi tiếng thời nhà Nguyễn với nhiều áng thơ Nôm như Qua đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Nhớ nhà, Cảnh chiều hôm

Hay con đường Nguyễn Đình Chiểu nằm kế bên, cũng đã nhiều lần thay đổi. Điểm đặc biệt, con đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài từ quận 1 đến quận 3, vào thời Pháp có tên là Rue de Moï, sau được đổi thành L’Evéché, rồi Richaud. Đến năm 1955 được đổi thành đường Phan Đình Phùng. Và lần cuối cùng đổi tên thành Nguyễn Đình Chiểu là vào ngày 14.8.1975 bởi Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Bà Sáu (52 tuổi) là một thợ may dạo trên đường Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ, bà sống ở đây đã lâu, từ thời hàng quán còn thưa thớt. Đa số người dân ở đây đều sống rất chan hòa, có học thức. Họ thường là người Sài Gòn chính gốc, sinh ra và lớn lên ở thành phố. Vì vùng đất này thuộc khu trung tâm nên cũng khá đắt đỏ, ngày nay thì tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê đắt tiền, nổi tiếng.

Sống ở TP.HCM: Kỳ thú “xóm thi sĩ” ở Q.3   - Ảnh 2.

Con đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài từ quận 1 đến quận 3, vào thời Pháp có tên là Rue de Moï, sau được đổi thành L’Evéché, rồi Richaud

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Chúng tôi hỏi bà Sáu, sống ở “xóm thi sĩ”, bà có thích thơ ca hay không? Bà Sáu liền đáp lại bằng một vài câu thơ của cụ đồ Chiểu: “Hỡi ơi!/Súng giặc đất rền/Lòng dân trời tỏ/Mười năm công sức vỡ ruộng danh còn chưa nổi như phao/Một trận đánh Tây tuy là mất nhưng tiếng vang như mõ”.

Một số con đường khác như đường Tú Xương, đường Hồ Xuân Hương… cũng đặt theo tên của các thi sĩ nổi tiếng trong nền thơ ca Việt Nam. Đa số những con đường này đều có điểm giao nhau, tạo thành một cụm đường móc nối độc đáo ở quận 3.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (tác giả sách Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh thì việc đặt tên đường theo khóm, cụm là một cách đặt tên khoa học và hay ho. Và mỗi cụm đường như vậy là có một nét đặc trưng riêng, khó nhầm lẫn với nơi nào khác.

Dưới những tán cây xưa của “xóm thi sĩ”

Không chỉ gây ấn tượng bởi những cái tên mang đậm chất văn chương, cụm đường mang tên các thi sĩ ở quận 3 (TP.HCM) còn là một trong những khu vực nội đô có không gian sống trong lành, rợp bóng cây xanh.

Một sáng đầu tuần, chúng tôi tản bộ trên đường Hồ Xuân Hương. Một con phố nhỏ nằm yên ả giữa trung tâm quận 3, được bao phủ bởi những tán cây cổ thụ rợp bóng.

Sống ở TP.HCM: Kỳ thú “xóm thi sĩ” ở Q.3   - Ảnh 3.
Sống ở TP.HCM: Kỳ thú “xóm thi sĩ” ở Q.3   - Ảnh 4.

Hai bên đường Hồ Xuân Hương được bao phủ bởi hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Con đường này dài gần 500 m, hai bên đường là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm, trong đó có cả những cây đa với chùm rễ dài buông xuống sát mặt đất, tạo nên những dải “rèm xanh” tự nhiên, nhẹ nhàng che chắn ánh nắng ban mai.

Ngồi dưới tán cây trước một quán cà phê nhỏ, chị Trần Thị Mai (34 tuổi, nhân viên truyền thông) vừa nhâm nhi ly bạc xỉu, vừa ngẩng lên nhìn khoảng trời lọc nắng qua tầng lá.

“Tôi mê cái không khí mát lành ở đây vào sáng sớm, không quá đông đúc, cũng không quá ồn ào. Ngồi uống cà phê dưới những tán cây, rồi nhìn dòng người qua lại, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn", chị nói.

Tại đoạn giao giữa đường Trương Định và Nguyễn Đình Chiểu, có một quán cà phê Sài Gòn xưa đặt vài bộ bàn ghế gỗ dưới tán cây xanh mát.

Quán nằm nép bên một chung cư cũ, tường đã có phần bong tróc, cửa sắt đã ngả màu theo năm tháng. Không gian có phần cũ kỹ nhưng lại mang đến cảm giác thân quen, gần gũi. Khách đến quán chủ yếu là người trong khu phố hoặc những người làm việc tự do tìm chỗ yên tĩnh để ngồi đọc sách, làm việc.

Vòng qua cung đường Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi hàng cây xanh mát trải đều hai bên. Lượng phương tiện vào giờ cao điểm khá đông đúc nhưng con đường vẫn giữ được sự thoáng đãng nhờ có bóng cây phủ rợp và không gian rộng rãi. Nhiều người dân quanh đây thường chọn con đường này để đi bộ, đạp xe vào sáng sớm.

Sống ở TP.HCM: Kỳ thú “xóm thi sĩ” ở Q.3   - Ảnh 5.

Đường Bà Huyện Thanh Quan có không gian thoáng đãng nhờ có bóng cây phủ rợp và không gian rộng rãi

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Ông Lê Văn Tám (68 tuổi), sống tại một con hẻm nhỏ cách đường Bà Huyện Thanh Quan chưa đầy 200 m, đều đặn đi bộ từ nhà ra đây mỗi sáng.

“Tôi quen đi tuyến này hơn chục năm rồi. Mùa nào cũng vậy, đi dưới tán cây mát mẻ mà lại ít bụi bặm. Nhiều người lớn tuổi trong khu đều chọn đường này để đi bộ rồi sang công viên Tao Đàn tập thể dục”, ông kể.

Giữa thành phố nhộn nhịp, “xóm thi sĩ” ở quận 3 vẫn giữ được nét thanh bình riêng biệt bởi những hàng cây xanh rợp bóng. Nơi đây không chỉ là những con đường gắn liền với tên tuổi của các thi nhân, mà còn là một lát cắt văn hóa độc đáo giữa lòng đô thị.

Những con đường mang tên thi nhân không đơn thuần để lưu danh, mà còn thể hiện sự trân trọng của thành phố với di sản tinh thần, với văn chương - một phần không thể thiếu trong lịch sử dân tộc.

Giữa nhịp sống hiện đại, cụm đường ấy vẫn giữ được vẻ yên bình, như một khoảng dừng của thơ ca trong dòng chảy không ngừng của phố xá.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Phiếu HK02 dùng để làm gì?

HK02 là phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu được sử dụng để thông báo khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu.

"Bẫy" đường trong sinh tố trái cây

Chuyên gia cảnh báo sinh tố trái cây chứa lượng đường cao, tương đương nước ngọt, có thể gây tăng cân, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe nếu tiêu thụ quá mức.