Ngải cứu (Artemisia vulgaris), còn gọi là thuốc cứu, ngải diệp, là loài thực vật thuộc họ Cúc, có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian từ hàng trăm năm qua. Loại cây này có lá hình mác, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới phủ lông trắng mịn, vị rất đắng nhưng thơm và có tính ấm – đặc điểm lý tưởng để làm thuốc.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), ngải cứu được xếp vào nhóm thực vật dược tính cao. Không chỉ là gia vị quen thuộc trong mâm cơm, đây còn là bài thuốc tự nhiên giúp điều trị bệnh xương khớp, giảm đau, an thần và hỗ trợ tiêu hóa.

Ngải cứu không chỉ là rau gia vị mà còn là vị thuốc. (Ảnh minh hoạ)
Giảm đau, giúp máu lưu thông lên não
Trong Đông y, lá ngải chứa nhiều hợp chất sinh học có lợi: chất đắng và tinh dầu giúp chống viêm loét dạ dày, lợi tiểu, nhuận tràng. Các thành phần như tamin, mineol, thyon hỗ trợ giảm đau, chống phù nề, kích thích gân cơ, dây chằng và phục hồi cử động khớp.
Ngoài ra, thujone, azulene và cadinene - những chất quý trong ngải cứu - có khả năng kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng, chống viêm sưng và kích thích tuần hoàn máu. Uống trà ngải cứu thường xuyên giúp cơ thể thư giãn, hỗ trợ phòng bệnh, đặc biệt là chứng đau đầu, mất ngủ.
Trong y học hiện đại, chất histamin và acetylcholin trong ngải cứu khô còn được dùng để sản xuất thuốc giảm đau, an thần. Việc xông hơi bằng lá ngải kết hợp lá bưởi, khuynh diệp cũng là cách dân gian hiệu quả để giải cảm, thư giãn tinh thần.
Ngon miệng, bổ não
Một trong những cách chế biến ngải cứu đơn giản, dễ ăn và giữ được dược tính là trộn trứng gà với lá ngải băm nhuyễn rồi chiên hoặc hấp. Món ăn này không chỉ ngon mà còn giúp máu lưu thông lên não, hỗ trợ giảm đau đầu, mất ngủ. Nếu trẻ em không thích vị đắng của ngải, có thể luộc trứng gà trong nước sắc lá ngải để dịu mùi và dễ ăn hơn.
Bài thuốc dân gian từ ngải cứu
- Trước kỳ kinh nguyệt một tuần, pha bột ngải cứu với nước sôi như pha trà, uống ba lần mỗi ngày giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh.
- 300g lá ngải giã lấy nước, trộn với hai thìa mật ong, chia uống hai lần trong ngày để giảm đau thần kinh tọa, đau lưng và viêm khớp.
- Xông hơi bằng hỗn hợp ngải cứu, lá bưởi và khuynh diệp trong 15 phút có tác dụng an thần, giải cảm.
Ai không nên dùng ngải cứu?
Mang nhiều lợi ích, nhưng ngải cứu không dành cho tất cả mọi người. Lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu, người bị viêm gan, rối loạn tiêu hóa cấp, xơ vữa động mạch, sỏi thận nên hạn chế dùng.
Một số người dị ứng với họ Cúc (Asteraceae) như hoa cúc, ragweed, cỏ bạch dương, cần tây, cà rốt cũng có thể phản ứng với ngải cứu.
Lưu ý
Dùng ngải cứu đúng liều lượng và thời điểm sẽ phát huy tối đa tác dụng. Tránh lạm dụng hoặc dùng liên tục kéo dài để không gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.